Chính điều này đã làm bùng phát ngọn lửa căm phẫn khiến nhiều người mất niềm tin, chỉ cần nghi ngờ ai đó có hành vi “bắt cóc trẻ em” là họ sẵn sàng lao vào đấm đá...
Đánh trúng nỗi sợ hãi lớn nhất của con người
Mới đây, hai người đàn ông ghé vào cửa hàng gỗ ở Thanh Hà (Hải Dương), chỉ vì người bán hàng bỗng dưng chóng mặt, cho rằng bị "tạt thuốc mê để bắt cóc" mà hàng chục người lao vào đập phá, đốt rụi chiếc xe ô tô trị giá hàng tỷ đồng.
Tiếp đó ngày 22.7, lại có hai người phụ nữ đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm từ thiện thì bị người dân bắt giữ và hành hung gây thương tích nặng. Nguyên nhân là khi chào bán tăm, một chị gọi cháu bé chơi ở sân để hỏi xem bố mẹ có nhà không. Thấy người lạ hỏi chuyện cháu bé, hàng xóm đã vu cho 2 người phụ nữ là bắt cóc trẻ con và lao vào đánh đập.
Bà Nguyễn Thị Phúc ở xã Sơn Công (Ứng Hoà, Hà Nội) bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em
Ảnh: IT
Về vấn đề này, TS Trịnh Hoà Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Xã hội học) cho rằng rõ ràng niềm tin của xã hội đang có vấn đề.
Sở dĩ người ta dễ dàng tin vào những tin đồn thất thiệt mà không có kiểm chứng là bởi thông tin ấy đánh đúng vào nỗi sợ hãi của họ. Nỗi lo sợ về sự chia ly, sự chết chóc khiến con người ta mất hết lý trí, chỉ cần nghe có thông tin hay nghi ngờ ai đó bắt cóc trẻ con là người ta sẵn sàng lao vào đánh, đập.
Nhất là khi thời gian vừa qua, dư luận cảm thấy rất bất an trước hàng loạt tin đồn thất thiệt về việc bắt cóc trẻ em.
Gieo rắc nỗi sợ hãi sau mỗi nút "share"
Cách đây hơn 1 tháng, ngày 6.6 dư luận không khỏi lo sợ trước thông tin của hai cô gái cho biết vừa chứng kiến một vụ bắt cóc trẻ con ở Khánh Hoà. Sự việc khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, ngay sau đó, một trong 2 cô gái này phải làm việc với cơ quan điều tra và khai nhận vụ bắt cóc đăng tải trên facebook chỉ là bịa đặt để “câu like” bán hàng trên Facebook.
Thậm chí vài ngày trước, một tấm ảnh xác đứa bé ướp lạnh trong thùng xốp cũng đã được đăng tải với câu chuyện "bắt cóc trẻ em lấy nội tạng". Mà sau đó, sự thật được làm rõ là đứa trẻ bị chết đuối, trời nắng nóng, nhà nghèo nên gia đình đặt xác em bé vào thùng đá để thân thể không bị hư hại.
Đáng tiếc, sẽ rất nhiều người chỉ đọc thông tin đầu (bắt cóc trẻ lấy nội tạng) mà không đọc bài viết về sự thật. Chính những thông tin thất thiệt về "bắt cóc trẻ em" đã gieo rắc nỗi sợ "mẹ mìn đầy đường", trẻ chỉ cần sơ sểnh là bị bắt cóc, khiến mọi người cảm thấy bất an.
“Chính điều này tạo nên những cơn phẫn nộ trong người dân, chỉ chờ có cơ hội là ngọn lửa phẫn nộ ấy bùng phát. Vì thế, dễ hiểu vì sao chỉ cần một người la lên "bắt cóc trẻ em" là người ta đã lao vào đánh đấm, thậm chí phá, đốt chiếc xe trị giá cả tỷ đồng của người khác, không cần xem xét đúng sai, hư thực” –TS Bình nói.
Theo TS Bình, có hai vấn đề xung quanh thông tin thất thiệt về chuyện bắt cóc trẻ con. Một là người tung tin cố tình “câu like” để được nổi tiếng hoặc cũng có những trường hợp cá nhân vì sợ hãi nên tin tưởng và chia sẻ thông tin để cảnh báo với cộng đồng và lan rộng thông tin thất thiệt.
“Xét đến cùng thì đó chính là hành vi vô trách nhiệm với đời sống cộng đồng và an ninh mạng khi chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Thậm chí, một bộ phận khác lại làm phiền xã hội và cho rằng đó là một chiến tích lớn”- ông Bình nói thêm.
Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng do tính chất mạng xã hội rất ảo, khó kiểm chứng, nên người ta thích thì viết, không thích thì xoá nên dễ dàng tung “tin vịt”. Điều này làm gia tăng những việc tung tin nhảm nhí, trong đó có những thông tin về bắt cóc trẻ em.