Những cơn mưa kéo dài mấy ngày gần đây cùng với đợt xả lũ của thủy điện Hòa Bình khiến mực nước sông Hồng lên cao, hàng nghìn cây chuối của người dân ở bãi sông Hồng bị chìm trong biển nước. Con đường mòn dẫn vào nơi sinh sống của 4 hộ dân bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) ngập nước hơn một tuần nay khiến cuộc sống đảo lộn, họ phải làm bè chuối để di chuyển.
Để vào được đất liền đi chợ hay về nhà ở trong phố, họ phải chèo bè khoảng 200m. Hằng ngày, vợ chồng ông Hùng phải chèo bè chuối ra vào ít nhất hai lần, mang các đồ dùng, vật phẩm cần thiết cho cuộc sống.
Ông Hùng cho biết, gia đình ông mới sinh sống ở bãi giữa sông Hồng được 2 năm nay, chủ yếu trồng chuối, chăn nuôi. Những ngày gần đây cuộc sống khá vất vả vì vừa phải chèo bè chuối đi lại, vừa lo mất mùa chuối, gia cầm, gia súc đã chết một số. Những buồng chuối gần đến kỳ thu hoạch phải cắt non mang vào bờ bán.
"Sống ở ngoài đấy, chúng tôi dùng nước giếng khoan là chính, thiếu thốn nhất là điện, phần lớn ắc quy chỉ được dùng cho mục đích thắp sáng vào ban đêm và chạy máy bơm", ông Hùng nói.
Cách đó không xa, hai ông cháu nhà ông Đức phải ngâm mình giữa dòng nước, kéo theo các đồ dùng cá nhân và thực phẩm vào bờ.
Ông Đức sau khi chèo bè chuối vào bờ lại đẩy lại cho gia đình nhà người khác dùng. Gần đến bãi giữa, ông Đức và cháu mới lên bè chuối. Trước đó, để di chuyển vào bờ, họ phải để đồ dùng, thực phẩm lên một bè chuối nhỏ khác, ngâm mình dưới nước kéo đi.
Bè chuối chỉ chở 3 người lớn
Phải mất 20 phút chèo bè chuối mới di chuyển được từ bãi giữa vào bờ. Việc di chuyển bè chuối cũng khá vất vả, tấm lưng ông Đức vã mồ hôi, hai tay liên tục đẩy mái chèo...
Côn trùng bám khắp người ông Đức trong quá trình di chuyển. “Tôi sống ở đây từ bé dù có nhà ở trong phố, ra đây thấy cuộc sống rất thoải mái, chỉ khó khăn khi nước sông Hồng lên cao”, ông Đức vừa chèo bè vừa nói.
Việt (cháu ông Đức) vừa bơi vừa kéo bè chuối đi bởi bè chuối chỉ chở được số lượng người hạn chế.
Bè đã tới bờ, ông Đức và cháu nhảy xuống sông tắm cho sạch trước khi mặc quần áo để về nhà ở trong phố.
Đặc sản ở bãi giữa sông Hồng là dế mèn, Việt cho biết: “Bình thường nước không dâng cao phải đổ nước vào tổ nó mới chui lên, giờ ngập bắt không kịp”.
"Cuộc sống gần 10 ngày nay bị đảo lộn, nước lại rút rất chậm khiến cuộc sống vất vả hơn. Hôm nay nước chỉ rút được 5cm so với ngày hôm qua", ông Đức cho biết.
Tắm rửa, mặc quần áo, ông Đức và cháu lấy xe máy về nhà cùng túi dế mèn, món đặc sẳn cho gia đình ông vào tối nay.
Cả đoàn người nhìn chiếc quan tài trôi trên sông, không ai cầm được nước mắt.