Tạo đà cho người nghèo
Chị Hà Thị Mức (dân tộc Mường) ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập là một trong hàng ngàn hộ nghèo sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả. Bản thân không được khỏe mạnh như người khác, nên mãi hơn 40 tuổi chị Mức mới lập gia đình. Chị Mức bảo, bố mẹ đôi bên đều khó khăn, nên khi vợ chồng chị ra ở riêng vốn liếng không có gì.
Được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có vốn chăn nuôi bò, lợn, trâu, góp phần nâng cao thu nhập. Ảnh: T.H
Tính đến ngày 31.3, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ là hơn 3.602 tỷ đồng, cho 136.368 hộ vay. Nợ quá hạn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 7,54 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ”. Ông Trương Việt Phương – Giám đốc Ngân hàng CSXH |
Tháng 5.2016, gia đình chị Mức được Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo, với lãi suất chỉ 0,55%/tháng, thời gian vay là 5 năm. Có vốn, chị Mức đầu tư mua 1 cặp trâu mẹ con. “Đến nay, trâu mẹ đã đẻ thêm 1 nghé cái, nâng tổng đàn trâu lên 3 con. Cứ đà này, sau 5 năm tôi không những sẽ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, mà còn có của để dành là đàn trâu sinh thêm”- chị Mức thổ lộ.
Ông Nguyễn Kim Thành – Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết, địa phương là xã miền núi thuần nông, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn làm ăn rất lớn. Hiện tổng dư nợ cho vay từ các nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn xã Thượng Long gần 26 tỷ đồng, đầu tư cho 1.208 hộ vay.
Hơn 136.000 hộ được vay vốn
Rời huyện Yên Lập, chúng xuôi về huyện miền núi Cẩm Khê tìm hiểu về hiệu quả của nguồn vốn vay hỗ trợ cho người nghèo. Ông Nguyễn Văn Xuân – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê cho biết: “Đến nay, tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 351 tỷ đồng với 16.122 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân là 21,7 triệu đồng/khách hàng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 18,55%, hộ cận nghèo còn 11,83% vào cuối năm 2016”.
Theo ông Xuân, để thực hiện tốt việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong huyện như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên ký uỷ thác cho vay. Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã triển khai được trên 31 xã, với 311 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Các tổ TKVV có nhiệm vụ giúp ngân hàng trong quá trình bình xét cho vay, đôn đốc thu hồi nợ và thu lãi theo quy định. Hiện các tổ TKVV hoạt động khá có hiệu quả. Nhờ đó, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích đồng vốn.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn là tấm gương vượt khó ngoạn mục. Năm 2011, được vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo ông Ngọc đã đầu tư mô hình VAC. Đến nay, ông Nhàn đang nuôi 30 con lợn nái, 5 con trâu và thả 4 ao cá với diện tích hơn 1 mẫu.
Hay như hộ ông Nguyễn Văn Căn xã Yên Tập, vay 60 triệu đồng đầu tư phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Đến nay, gia đình ông Căn không chỉ vươn lên là hộ có đời sống kinh tế khá và còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động chính, 100 lao động thời vụ.