Mỗi năm hơn 500.000 phụ nữ tại Mỹ báo cảnh sát về việc chồng hoặc người tình sử dụng vũ lực đối với họ. Đối với một nước mà mức độ sử dụng luật pháp để giải quyết các mâu thuẫn của người dân thuộc hàng cao nhất thế giới, con số này cho thấy bạo lực gia đình khá phổ biến.
Ảnh minh họa: typepad.com. |
Livescience cho biết, David Buss, một nhà sinh học tiến hóa của Đại học Texas tại Mỹ, khẳng định rằng bạo lực gia đình xuất hiện từ thuở bình minh của loài người và nó có ý nghĩa về mặt tiến hóa. Theo Buss, con người dùng bạo lực (về cả thể chất lẫn tinh thần) để tăng cơ hội duy trì nòi giống. Nói cách khác, những người đàn ông sử dụng vũ lực để đảm bảo rằng bạn đời của họ sẽ mang thai đứa con của họ, chứ không phải thai của người đàn ông khác.
Trước đây Buss từng nhận định rằng hành vi ghen tuông là một công cụ của tạo hóa để gắn kết các cặp tình nhân với nhau.
“Có rất nhiều trường hợp mà chúng ta có thể đoán bạo lực gia đình sẽ xảy ra, Chẳng hạn, con người có thể sử dụng bạo lực khi bạn đời tỏ ra không chung thủy hoặc muốn chấm dứt mối quan hệ tình cảm”, Buss nói.
Buss và Joshua, một đồng nghiệp của ông từ Đại học Richard Stockton ở bang New Jersey, khẳng định rằng nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy một bộ phận đàn ông dùng vũ lực với bạn đời với hy vọng giải pháp đó sẽ giúp họ làm giảm nguy cơ phải nuôi con của người đàn ông khác.
Song thực tế dường như diễn ra theo chiều hướng mà đàn ông không mong đợi. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát đối với các thai phụ tại bang North Carolina cho thấy những người phụ nữ thường xuyên bị bạn đời đánh đập hoặc hành hạ có xu hướng mang thai của người đàn ông khác cao hơn.
Buss đoán rằng bạo lực gia đình dễ bùng phát hơn nếu người phụ nữ có nhiều phẩm chất mà nhiều người đàn ông ngưỡng mộ - như thu nhập cao, thông minh, ngoại hình quyến rũ, hài hước. Khi có vợ hoặc bạn tình như thế, nhiều người đàn ông sử dụng bạo lực để ngăn chặn phụ nữ rời bỏ họ hoặc khiến phụ nữ tự đánh giá thấp những phẩm chất mà họ sở hữu.
“Giả thuyết của Buss rất đáng được hoan nghênh. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy xung đột giữa các thành viên trong gia đình của các loài động vật khác cũng khá phổ biến”, Barbara Tschirren, một nhà sinh học của Đại học Zurich tại Thụy Sĩ, bình luận.
Nhưng Heather Douglas, một nhà nghiên cứu của Đại học Queensland tại Australia, không đồng tình với giả thuyết của Buss. Douglas cho rằng giả thuyết ấy chứa đựng quá nhiều giả định – như các cặp đôi đều muốn sinh con, không ai mắc bệnh đồng tính, người phụ nữ chỉ có tình cảm với người đàn ông mà họ chung sống - nên không có ý nghĩa lớn về mặt khoa học.
Robert Brooks, một nhà sinh học tiến hóa của Đại học New South Wales tại Australia, nghĩ rằng những nghiên cứu về chủ đề nhạy cảm như bạo lực gia đình thường trở thành đề tài gây tranh cãi. Nhưng ông thừa nhận tổ tiên của loài người phải theo đuổi nhiều chiến thuật để tăng khả năng truyền gene cho thế hệ sau, trong đó bao gồm nhiều chiến thuật mà chúng ta cảm thấy không phù hợp với thời đại ngày nay.