Dân Việt

"Đỏ mắt" tìm “nông dân trí thức” làm nông nghiệp công nghệ cao

San Nguyễn 29/07/2017 15:47 GMT+7
Dù đã tuyển dụng đầu vào là kỹ sư sản xuất nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn phải đầu tư hàng tỷ đồng để đào tạo lại.

Đào tạo từ “số 0”

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, Mỹ Bình, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa (Long An) trăn trở: “Chúng tôi đang thiếu cả nhân lực phổ thông và trí thức. Với những doanh nghiệp lực lớn, nguồn tài chính dồi dào họ có thể thuê chuyên gia, hoặc người lao động nước ngoài. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi khá vất vả. Như kỹ sư ra trường, tuyển được vào rồi, phảỉ đào tạo lại hoàn toàn vì chương trình học trong nhà trường không khớp với thực tế”.

img

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những rào cản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.  Ảnh: IT 

Năm 2017, Bộ NNPTNT đặt ra mục tiêu hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 290.000 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là hơn 210.000 người; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng là 80.000 người, nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo an đảm an sinh xã hội.

Chẳng hạn với việc nuôi tôm, ông Huy phải liên kết với Trường ĐH Nông Lâm Huế, đưa luôn vào chương trình học mô hình thử nghiệm từ lúc đào vuông tôm, thả giống, chăm sóc cho tới thu hoạch. Cả một chu kỳ trọn vẹn như vậy hết khoảng 6 tháng. Khi những kỹ sư này ra trường mới có thể bắt nhịp được ngay với hoạt động sản xuất.

Chưa hết, lao động phổ thông cũng là vấn đề nan giải. Bởi lao động phổ thông các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu nhận lại từ các khu công nghiệp công nghiệp. “Những người này có tính kỷ luật kém, hay thay đổi  nhảy việc. Khi vào làm, chúng tôi đã đóng bảo hiểm và đào tạo nhưng làm được thời gian họ lại nhảy việc. Với chi phí đội lên như vậy, doanh nghiệp nào có trường vốn mới chịu nổi. Sau khi  đào tạo lại, chúng tôi phải xây nhà ở và tăng các chế độ phúc lợi để giữ người” – ông Huy cho hay.

Tương tự như vậy, bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư cũng gặp khó với nguồn lao động. “Chúng tôi đã đầu tư 270 tỷ, tương đương gần 11 triệu USD cho sản xuất nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao chiếm 4 triệu USD. Nhưng chính sách hỗ trợ để đào tạo quản trị công nghệ cao thì hầu không có. Hiện đội ngũ kỹ sư ra trường gần như không biết gì về quản trị nhà kính, các điều kiện bảo vệ thực vật, cây trồng. Chúng tôi phải thuê chuyên gia quốc tế để đào tạo lại. Tất cả tính vào chi phí sản xuất nên đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường” – bà Liên chia sẻ.

Thiếu “nông dân trí thức”

Tới năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp loại này đang là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành. Nhưng hiện cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hàng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Theo bà Trần Kim Liên, các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đang hết sức chắp vá, thiếu một sự hợp tác điều phối vĩ mô giữa các trường đại học đào tạo về nông nghiệp tích hợp cùng với các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ khác để chuẩn bị nhân lực lãnh đạo quản lý, khoa học kỹ thuật.

“Với hơn 10 trường đại học đào tạo về nông ngiệp, so với các nước là ít, nhưng nếu có mở thêm lại khó tuyển sinh, vì nhiều sinh viên không muốn theo nghề nông. Vậy ai sẽ là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân? Ai là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?” – ông Võ Quan Huy đặt câu hỏi. Theo ông Huy, lĩnh vực này phải được vận hành bởi “nông dân trí thức”, nhưng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo nghề cho người dân là việc cấp thiết, vì người nông dân vừa là người lao động nhưng cũng là những chuyên gia trên đồng ruộng.

Trong lúc chờ cơ chế hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng đang tự tìm nguồn nhân lực chất lượng cao theo cách của mình. Tuy nhiên,  nhiều trường chỉ muốn đào tạo cho nhanh để tuyển sinh lớp mới vào. “Đó là vấn đề xã hội, không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà nước” – ông Võ Quan Huy đề xuất.