Dân Việt

Giá lợn hôm nay 28.7: Đừng hi vọng Trung Quốc, được giá 40.000 đ/kg bán ngay

Đình Thắng - Lê Hân 28/07/2017 05:15 GMT+7
Đó là khuyến cáo của ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với phóng viên Dân Việt về giá lợn hôm nay 28.7 và đợt tăng giá lợn lần này. Theo ông Vân, đợt tăng giá lợn vừa qua có rất nhiều nguyên nhân, nhưng không phải do yếu tố trung Quốc tác động.

Trong nửa tháng trở lại đây, giá lợn tăng- giảm rất nhanh, ông có nhìn nhận như thế nào về đợt tăng giá này?

-Bắt đầu từ ngày 14-15.7 giá lợn có diễn biến tăng mạnh, tăng giá ở miền Bắc sớm hơn miền Nam, những ngày đầu giá nhích lên 1.000-2.000 đồng/kg, sau đó tăng lên từ 5.000-6.000 đồng/kg, chỉ trong 7 ngày giá từ 25.000 đồng/kg tăng lên 45.000 - 47.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí có nơi còn tăng lên 50.000 đồng/kg. Rõ ràng đây là một đợt tăng giá lợn nhanh chưa từng có trong lịch sử.

img

ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Lê Hân

Nhìn về sự tăng giá của thịt lợn trong những ngày qua, tôi thấy có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, với mức giá như thế, người chăn nuôi đã có lãi và phản ánh mức giá bình thường như mọi khi, mức giá trước đây dao động từ 38.000-45.000 đồng/kg.

Thứ hai, mức giá hiện nay đã quay về giá thực của thị trường, nếu nói về giá thì đây là chuyện bình thường. Nhưng cách tăng giá như thế này là bất thường, không bao giờ giá lợn tăng nhanh như thế.

Vậy Cục Chăn nuôi và cơ quan chức năng có lý giải gì về cách tăng giá bất thường này thưa ông?

-Ở đây có 2 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất, giá lợn vừa qua giảm sâu quá, người chăn nuôi  vốn ít hoặc mới chăn nuôi gần như kiệt quệ vì thua lỗ nặng, dẫn tới bỏ chuồng. Nếu bán với giá vừa qua, thì người nuôi lỗ nhiều quá, bởi giá thành 1kg thịt lợn hơi đã là 38.000 đồng. Đến lúc thấy giá tăng nhanh, trong chu kỳ lên giá, người chăn nuôi luôn mong muốn bán với giá cao nhất nên họ đã chủ động đàm phán nâng giá với thương lái. Thực tế ở nhiều nơi, mới hôm qua bán với giá 30.000 đồng/kg, hôm nay họ đẩy lên 35.000 đồng/kg, vẫn thấy thương lái thu mua, ngày mai họ tiếp tục đẩy giá, và cứ thế giá tiếp tục tăng. Đây cũng là chuyện hết sức bình thường.

img

Ông Hoàng Văn Kim ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đang đổ cám cho lợn ăn. Ảnh:Trần Quang

Nhóm nguyên nhân thứ hai, đó là sau khi có cơn "bão" khủng hoảng giá thấp xảy ra với thịt lợn, tổng đàn lợn đã giảm đi đáng kể, từ hơn 29 triệu con hồi đầu năm 2017, đến sang nửa đầu tháng 7 chỉ còn hơn 27 triệu con. Như vậy tổng đàn lợn đã giảm 1,4-1,5 triệu, đây là mức giảm chưa từng có tiền lệ.

Đặc biệt, trong số tổng đàn lợn giảm, có hơn 400.000 con lợn nái (từ 4,2 triệu xuống còn 3,8 triệu con), xu hướng giảm lợn một phần đến từ sự chủ động của các hộ nuôi, họ thải loại các nái kém chất lượng.

Sự sụt giảm đàn lợn đã dẫn đến thiếu cung cục bộ ở một số nơi, cung thiếu nên giá tăng lên.

Ngoài ra, rất nhiều chủ trang trại lớn thấy tăng giá thì giữ lại với kỳ vọng giá tăng cao hơn mới bán. Trang trại chỉ bán nhỏ giọt, tạo ra tâm lý mua cố dù giá cao. Chỗ này tăng giá thì chỗ kia cũng biết và tăng giá, điều này dẫn tới thiếu nguồn lợn cục bộ, khiến giá lợn hơi tăng lên. Hoặc do chỗ nỳ thiếu, thương lái đã đến chỗ khác mua cũng tạo nên sự va đập về thị trường.

Ở các tỉnh có trang trại lớn như trong Nam là Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu hay ngoài Bắc là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam... thì không thiếu lợn vì các trang trại vẫn còn nhiều nhưng ở một số nơi hiện lại không có lợn như ở Hòa Bình, thương lái đã xuống tận Hà Nội để mua lợn.

img

Vừa rồi có thông tin việc tăng giá là do một số doanh nghiệp lớn làm giá, găm hàng lại tạo khan hiếm để “thổi” giá, điều này có đúng không, thưa ông?

- Bản thân những công ty, tập đoàn lớn trong thời gian qua cũng lỗ rất nặng nhưng họ chịu được vì họ là tập đoàn lớn. Ví dụ như Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, mỗi tháng xuất 65.000 con lợn, hay Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng chỉ chiếm 5-7% tổng số sản lượng cả nước. Với số lợn như thế thì làm sao họ khống chế được giá.

Chỉ khi có công ty nào đó chiếm 25% tổng đàn lợn cả nước thì họ mới có khả năng điều hành giá. Bản thân Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đang bị lỗ, có ngày bán chưa được 1.000 con lợn. Các công ty này nuôi lợn theo kế hoạch, vì vậy dù giá lên hay xuống thì họ cũng chỉ sản xuất từng đó lợn. Hiện nay các DN lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam còn nhiều lợn, nhưng dù đang lỗ họ vẫn đủ sức duy trì hoạt động chăn nuôi. Chính vì lẽ đó, họ cũng kỳ vọng giá cao để bán, nhưng không thể nói họ đợi tăng giá để bán.

Nhiều ý kiến nhận định rằng sự tăng giá đột biến này một phần do các tỉnh miền Nam Trung Quốc bị lũ lụt nặng nên gia súc gia cầm sụt giảm, nguồn cung thiếu dẫn đến giá tăng, đồng thời họ tăng nhập lợn Việt Nam qua tiểu ngạch. Ông có thể cho biết đánh giá về vấn đề này?

- Yếu tố Trung Quốc không nằm trong câu chuyện tăng giá lợn lần này, thực tế không có tác động của thị trường Trung Quốc. Về công tác thị trường, quan điểm trong công tác chỉ đạo là cần làm tốt thị trường trong nước và tìm kiếm thị trường chính ngạch. Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy tiến tới mở cửa thị trường chính ngạch. Kỳ vọng xuất khẩu thịt lợn chính ngạch còn là câu chuyện dài, cũng phải có sự vào cuộc cao độ của các doanh nghiệp mới làm được, chứ không thể nói xuất là xuất được.

Một số đơn vị bảo thịt lợn ngon thế nhiều thế, tại sao không bán cho các nước khác, nhưng để đem được 1 quả trứng, 1kg thịt sang nước khác rất khó khăn, đây thực sự là cuộc chiến thương trường rất cam go. Để xuất khẩu chính ngạch sang một nước nào đó, có rất nhiều khâu cần thực hiện, phải nghiên cứu thị trường, xây dựng quy trình chặt chẽ, đưa ra những cam kết, thời điểm tiến hành thế nào và phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.

Đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta đang bàn bạc với họ để tiến tới thống nhất xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy đề cập sâu đến câu chuyện tiểu ngạch là không nên, sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán. Về xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới vẫn diễn ra bình thường theo đúng thỏa thuận hai nước.

Vậy trong thời điểm giá lợn đang tăng, Cục Chăn nuôi có khuyến cáo định hướng gì cho các hộ chăn nuôi?

- Chúng tôi khuyến cáo các hộ còn lợn có thể xuất chuồng được, thì cần xuất bán ngay, bán ngay, không nên giữ lại trong chuồng với kỳ vọng giá cao hơn, với mức giá dao động từ 40.000 đồng/kg là bán được rồi. Người nuôi đừng nên kỳ vọng đợi chờ giá lên 50.000 đồng/kg hoặc hơn mới xuất, giá đó chỉ tăng cục bộ thôi, nếu giá cao quá, người tiêu dùng ăn ít đi, cầu sẽ khiến giá giảm trở lại.

Còn việc tái đàn trở lại thì sao, thưa ông?

-Trong thời điểm này, người chăn nuôi cần hết sức bình tĩnh nghe ngóng, không nên ồ ạt tái đàn, mà trước hết với những hộ có lợn nái cần tập trung vào chăm sóc tốt đàn nái của mình để cho ra được những con giống tốt. Còn đối với lợn hậu bị, cần tập trung tiêm phòng vắc-xin, đảm bảo phòng trừ dịch bệnh an toàn. Tôi xin nhắc lại, hiện chúng ta vẫn chưa chính thức xuất khẩu được lợn sang Trung Quốc, còn việc xuất một vài xe sang đó là chuyện bình thường.

Xin cảm ơn ông!

"Trong công tác quản lý, đề nghị các địa phương bình tĩnh xem xét lại, đánh giá lại tình hình, đặc biệt cử cán bộ chăn nuôi thú y xuống địa phương đánh giá, nắm lại số lượng lợn giống trên địa bàn mình. Phải đánh giá chính xác thận trọng để đảm bảo công tác chỉ đạo tốt".

(Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi)