Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của vùng Tây Nguyên có bước phát triển khá mạnh. Toàn vùng hiện có 1.100 trang trại chăn nuôi, chiếm 5,6% tổng số trang trại chăn nuôi trong cả nước. So với năm 2012, số trang trại chăn nuôi tại khu vực này tăng 48,9%; bước đầu đã có một số mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Vinamilk...
Các đại biểu tham quan câu lạc bộ chăn nuôi bò ở thôn Đoàn Kết xã Ea Kmut, huyện Ea Kar (Đăk Lăk). Ảnh: D.H
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã giải đáp hàng chục câu hỏi về vướng mắc, khó khăn của nông dân trong quá trình chăn nuôi. Các vấn đề của người dân chưa kịp giải đáp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chỉ đạo cho khuyến nông cơ sở tiếp tục có trả lời thỏa đáng cho bà con. |
Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi tại Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững: Phần lớn chăn nuôi của đồng bào dân tộc, các hộ nghèo vẫn là nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên, quảng canh nên năng suất thấp, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro về thời tiết, dịch bệnh. Trình độ nhận thức về khoa học kỹ thuật của phần lớn các hộ chăn nuôi còn rất hạn chế, mạng lưới sản xuất và cung ứng con giống, thức ăn và các dịch vụ thú y, khuyến nông tại chỗ chưa phát triển. Trong khi cơ sở giao thông ở các vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, chi phí vận chuyển giống, vật tư đầu vào từ các vùng khác đến và chi phí vận chuyển sản phẩm của vùng đi tiêu thụ tăng cao... là những cản trở rất lớn để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi của vùng.
Vùng Tây Nguyên có dải biên giới trên bộ tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia khá dài, việc kiểm soát vận chuyển động vật qua biên giới rất khó khăn, nhiều năm qua đã phát sinh nhiều vụ dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm H5N1 mà nguồn bệnh lây truyền từ các loại động vật, sản phẩm động vật thâm nhập qua các khu vực biên giới…
Kết nối “4 nhà” giúp chăn nuôi Tây Nguyên phát triển
Tại diễn đàn, các nội dung thảo luận, tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là quy hoạch, chính sách và kỹ thuật. Cụ thể, đối với nhóm các giải pháp về quy hoạch vùng chăn nuôi và định hướng phát triển, các ý kiến đề xuất: Rà soát, điều chỉnh xây dựng quy hoạch vùng, liên kết vùng, tiểu vùng, địa phương phát triển chăn nuôi theo từng đối tượng vật nuôi, có lợi thế cạnh tranh; quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc nhai lại gắn với trồng cây thức ăn thô xanh, chuyển đổi những diện tích đất lúa đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ...
Trong nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật - khuyến nông, các ý kiến tại diễn đàn kiến nghị giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống phù hợp và có hiệu quả cho các vùng hạn hán, trồng và chế biến thức ăn, xử lý chất thải, thiết kế chuồng trại, kỹ thuật nhằm giảm phát khí thải khí nhà kính...
Về nhóm giải pháp tổ chức, liên kết sản xuất, trọng tâm là xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thú y...) và các doanh nghiệp đầu ra (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) trong và ngoài vùng với người chăn nuôi để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, nâng cao hiệu quả và tính bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, qua quá trình thảo luận diễn đàn đã thống nhất đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, về kỹ thuật cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đối với sản xuất như: giống vật nuôi, thức ăn, quy trình chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, quy mô vùng, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị cho vùng, cho địa phương... Gắn chăn nuôi với sản xuất trồng trọt để cung cấp các thức ăn thô xanh; chế biến thức ăn tinh với mô hộ, nhóm nông hộ…
Về giải pháp chính sách: Cần xây dựng chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên đặc biệt hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ, giúp đỡ hình thành các tổ chức sản xuất của nông dân như HTX, câu lạc bộ nông nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành như Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Ông Khởi cũng cho rằng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cung cấp cho nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phương thức sản xuất mới...