Dân Việt

Mất 7 năm nghiên cứu internet, thuần hóa thành công dúi hoang dã

Quốc Tuấn 28/07/2017 13:28 GMT+7
Con dúi là một loài vật sống hoang dã, khó nuôi, ít người biết đến... Vậy mà loài vật được cho là khó thuần chủng ở môi trường nuôi nhốt lại được anh Nguyễn Văn Huân - người được gắn với cái tên “Huân Dúi”, bản Kim Tân, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, Sơn La nuôi thành công và trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

img

Khi dã thuần hóa được loài này rồi thì nuôi không khó, nhàn hơn nuôi lợn và hiệu quả kinh tế cao.

Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Huân không khó, bởi khi hỏi tên anh kèm theo nghề nuôi dúi, ai cũng đều biết. Đến nhà đúng lúc 2 vợ chồng anh Huân đang chuẩn bị cho dúi ăn, cùng chúng tôi đi thăm mô hình rộng 100 m2, anh Huân khoe: Hiện tại, tổng đàn có trên 600 con, trong đó, trên 100 con dúi sinh sản, còn lại là dúi giống. Khi dã thuần hóa được loài này rồi thì nuôi không khó, nhàn hơn nuôi lợn và hiệu quả kinh tế cao.

Tìm hiểu được biết: Khu nuôi dúi của gia đình anh trước đây là một trại lợn. khi đầu ra cho sản phẩm từ lợn gặp khó khăn, giá cả bấp bênh nên anh đã giảm đàn lợn nuôi, chuyển sang nhiều nghề khác nhưng vẫn không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong một lần đi cơ sở, thấy người dân bán dúi rừng, anh đã nảy ra ý định thuần hóa loài này. Khi đó và cả hiện tại, nhu cầu sử dụng thịt của loài này khá mạnh mà nguồn cung cấp thì hạn chế. Sau một thời gian, anh thu mua được khoảng 20 con dúi sinh sản mang về nuôi. Tuy nhiên, do ngày đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên số dúi này chết hết.

img

Khi đã thuần hóa được loài này rồi, việc nuôi và nhân đàn lại không khó.

Anh Nguyễn Văn Huân, chia sẻ: Cùng thời điểm này, em trai mình là giáo viên vùng sâu cũng thu mua dúi rừng về nuôi thử nhưng cũng thất bại. Có lúc cũng thấy nản, nhưng sau đó, 2 anh em đã tự động viên nhau tiếp tục nuôi. 2 anh em đã tự nghiên cứu qua Internet và sách báo cộng với kinh nghiệm được rút ra từ những thất bại trước đó, rồi tiếp tục mua dúi rừng về thuần hóa. Phải mất gần 7 năm mới thành công, dúi mang từ rừng về nuôi đã sinh sản được. Khi đó, mừng chảy nước mắt bởi dúi rừng mang về nuôi thì dễ nhưng nuôi để dúi sinh sản được mới là cái cần hao tâm, tốn sức.

Khi đã thuần hóa được loài này rồi, việc nuôi và nhân đàn lại không khó. So với nuôi lợn thì hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Như mô hình hiện tại của gia đình, với giá bán bình quân 350.000 đồng/kg thì có thể hơn hẳn mô hình nuôi 1.000 con lợn thịt cộng với 50 con lợn nái, kể cả lúc lợn được giá. Còn dúi giống loại 4 lạng đang bán 500.000 đồng/con; dúi đang chửa bán 2 triệu đồng/con.

img

Khó nhất là giai đoạn thuần hóa dúi rừng để sinh sản

Tuy nhiên, đang không đủ dúi giống và thương phẩm để bán. Trước đó, gia đình đã bán trên 3 tạ dúi thịt và trên 200 con dúi giống cho các tư thương tận Ninh Bình, Yên Bái và Hà Nội... Có thời điểm, xuất 1 lần 2 tạ cho tư thương dưới Hà Nội. Hiện tại, có nhiều tư thương và các hộ đã liên hệ đặt mua dúi giống và thương phẩm nhưng không đủ cung. Thậm chí, có tư thương trong miền Nam đặt mua 4 tạ, trở vào tận nơi với giá trả gấp đôi cũng không đáp ứng được...

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Huân khẳng định: Khó nhất là giai đoạn thuần hóa dúi rừng để sinh sản. Bây giờ đã có giống thuần chủng thì việc nuôi dúi sinh sản không phải là vấn đề khó nữa. Nuôi dúi không vất vả như nghề chăn nuôi khác và không phải dùng đến thuốc thú y vì loài này có sức đề kháng rất cao. Một năm, dúi có thể sinh sản 3-4 lần, mỗi lần đẻ nhiều nhất là 5 con, bình quân là đẻ 3 con. Loài này không nên di chuyển nhiều, ưa yên tĩnh và râm mát, nhất là khi dúi đẻ càng không được di chuyển hay gây tiếng động mạnh.

img

Thời điểm dúi đẻ phải cho ăn mía (chiếm 80% thức ăn), còn lại 20% thức ăn là tre và cỏ voi.

 Mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần, thậm chí trong ngày quên không cho ăn cũng không sao. Khi cho ăn nên cho mỗi con thêm 10 hạt ngô khô. Về chuồng không cần phải làm phức tạp, chỉ cần dùng các tấm gạch men loại 50 cm x 50 cm quây vào làm chuồng là được, không cần phải che chắn.

Được biết, ngoài 2 mô hình nuôi dúi lớn nhất của gia đình nhà anh Huân với gần 1.000 con, ở Phù Yên cũng đã có nhiều hộ đang bắt đầu nuôi. Có thể khẳng định đây là một nghề mới, bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.