Vậy mà từ đầu năm 2017 tới nay, đã và sẽ có thêm dăm ba thương hiệu nhảy vào thị trường smartphone Việt Nam. Mỗi hãng có những toan tính riêng nhưng nhìn toàn cục, hình như họ đang… đâm đầu vào đá!
Smartphone của Asanzo dự kiến xuất hiện trên thị trường vào giữa tháng 8.2017, cùng thời điểm với Bphone 2 của Bkav.
Theo GfK Việt Nam, bốn tháng đầu năm 2017, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 27.208 tỉ đồng, nhiều hơn 2.400 tỉ đồng so với bốn tháng đầu năm 2016. “Tưởng rằng “ngon” nhưng có tham gia cuộc chơi mới biết thị trường smartphone khắc nghiệt như thế nào”, ông Bùi Văn Hoà, giám đốc Freetel Việt Nam, nhận xét.
Từ chết đến bị thương!
Trước hết là chết. LG một thời vang bóng là vậy, mà nay đã chấp nhận bỏ rơi sản phẩm smartphone tại mảnh đất này. ZTE, một thương hiệu lớn của Tàu, thành công tại nhiều nước, nhưng lại “thất bại thảm hại tại Việt Nam”. Đến rồi đi và quay lại đã 3 – 4 lần, nhưng vào thời điểm này thì ZTE chẳng còn thấy mặt mũi đâu. Hyundai (được cho là sản phẩm của hãng xe hơi Hyundai, Hàn Quốc) “khua chiêng gõ mõ” hồi đầu năm nay, nhưng đến nay chẳng thấy xuất hiện! Q-Mobile từng có những lời tuyên bố động trời, nhưng từ giữa năm 2016 đã chuyển giao cho một doanh nghiệp quân đội.
Còn “bị thương” thì nhiều lắm. Mục tiêu của Huawei trong năm 2017 sẽ là 8 – 9% thị phần. Nhưng từ đầu năm tới nay, dù tung nhiều hàng mới, nhiều tiền làm tiếp thị, lại dần dần mờ nhạt. Asus đã từng có lúc đứng vị trí thứ 3 tại thị trường smartphone Việt Nam, nhưng vì quá tự tin, thiếu những chiến lược tiếp thị “bom tấn” mà thứ hạng ngày càng tụt dần từ năm 2016 cho tới nay. Đầu năm 2017, khi HTC tuyên bố chỉ bán những chiếc smartphone cao cấp, bỏ hẳn những sản phẩm dòng thấp và trung; và chỉ chọn Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ độc quyền, cũng là lúc HTC “lao dốc mất thắng”...
Lenovo, Motorola, Wiko, Obi, Infinix… đang dần dần đuối sức, chưa biết bao giờ sẽ biến khỏi thị trường, nói gì đến thứ hạng cao.
Lao đầu vào đá!
Đầu tháng 6.2017, Nokia tái xuất tại thị trường Việt Nam với dòng cổ điển 3310, còn gần đây là các dòng smartphone 3/5/6. Khi nghe tên tuổi này sẽ quay trở lại, nhiều hãng có tên tuổi cũng e ngại, vì dấu vết của Nokia vẫn còn in trong tâm trí của người tiêu dùng. Nhưng từ đó đến nay, với những gì Nokia đã và đang làm, khó phục hồi được ánh hào quang xưa.
Giữa tháng 8.2017, Asus sẽ ra mắt thị trường Việt thế hệ ZenFone 4, với mong ước “làm lại cuộc đời” tại thị trường Việt Nam... Từ giữa tháng 7, HTC tiếp tục “lao đầu vào đá” bằng cách mở rộng kênh bán lẻ lên 11 kênh chuỗi, thêm các sản phẩm có giá tầm trung như HTC 10 Evo…
Nhưng đáng lo ngại nhất chính là hai câu chuyện. Một là chuyện “tái khởi nghiệp” của Bkav với Bphone 2 (tạm gọi như vậy) sau khi thất bại với Bphone 1 cách đây hai năm. Dù chưa có tuyên bố nào (ngày 8.8.2017 mới chính thức ra mắt Bphone 2), nhưng Bkav không thể mua vui mà phải là một thương vụ nghiêm túc khi tham gia thị trường smartphone với Bphone 2. Ông Nguyễn Tử Quảng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Bkav có biết rằng, phía trước của những chiếc smartphone chỉ là… vực thẳm?
Câu chuyện thứ hai là Asanzo, một thương hiệu về tivi và điện gia dụng, đang hoàn thiện cho những chiếc smartphone đầu tiên cũng mang tên Asanzo, chuẩn bị xuất hiện trên thị trường vào giữa tháng 8.2017. Ông Phạm Văn Tam, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Asanzo cho rằng, với thời gian hai năm hoà vốn, là bước chuẩn bị cho Asanzo có thêm mặt hàng kinh doanh mới khi mặt hàng tivi bão hoà. Theo ông Tam, với hơn 6.000 cửa hàng là đối tác của Asanzo hiện hữu, sẽ là kênh phân phối những chiếc smartphone với mức giá dưới 5 triệu đồng của Asanzo. Ông Tam đang “đếm cua trong lỗ”!
“Muốn tiêu tiền nhanh nhất, hãy đầu tư vào smartphone”, một nhà kinh doanh nhận xét. Ngẫm lại, nhận xét trên không xa sự thật bao nhiêu.