Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng Cục Dạy nghề -Bộ LĐTBXH) cho rằng, đây là chính sách nhân văn, đáp ứng được nhu cầu và sẽ tạo cú hích đẩy mạnh công tác dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc.
Cú hích dạy nghề
Dạy nghề trồng chè cho bà con dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Ảnh: Thuỳ Anh
Đơn vị sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người DTTS số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị được giảm 50% tiền thuê đất. Đơn vị sử dụng từ 50% lao động là người DTTS được miễn 100% tiền thuê đất... |
“Nguyên tắc là những người ở vùng khó khăn, nghèo khổ, khuyết tật sẽ được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều cách để họ tiếp cận với giáo dục và dạy nghề, tạo việc làm. Điều này sẽ đảm bảo cho cơ hội được chăm sóc, tiếp cận của họ so với các tầng lớp khác được công bằng hơn” – ông Đào Văn Tiến phân tích.
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ dành hơn 1.000 tỷ đồng/năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956). Theo đánh giá, tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người DTTS được đào tạo nghề còn thấp so với chương trình chung. Lao động là người DTTS được đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng số lao động người DTTS trong độ tuổi lao động. Một số nơi, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động... “Ngoài ra, các lớp đào tạo nghề ở vùng đồng bào DTTS vẫn chưa phù hợp, ví dụ thời gian kéo dài, thực hành ngắn, lý thuyết dài. Phương pháp học hiện trường chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, một số bất cập về đối tượng, định mức hỗ trợ chưa được sửa đổi, hướng dẫn cụ thể đã ảnh hưởng không tốt tới hoạt động dạy nghề” – ông Tiến nói.
Nâng mức hỗ trợ
Trong tháng 7 này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 58/2017/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Thông tư này (áp dụng từ năm tài chính 2017) quy định rõ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Người thuộc hộ nghèo DTTS, mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; người DTTS mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Đồng thời hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Đối với người học là người DTTS cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên. Về chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một người lao động.
Các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động DTTS còn nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ việc đóng BHXH, BHYT, tiền vay vốn, thuê đất...