Dân Việt

Tâm thư nông dân: Trang trại 70 tỷ đồng cũng không được thế chấp

Thu Hà 31/07/2017 06:25 GMT+7
Không riêng ông Tô Hiến Thành ở Bắc Giang rơi vào tình cảnh khó khăn trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất, trao đổi với NTNN/Dân Việt, rất nhiều nông dân khác cũng bày tỏ muốn gửi “tâm thư” đến các vị trưởng ngành để bày tỏ bức xúc về điểm nghẽn vay vốn sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Hai rào cản cũ

Tương tự Hợp tác xã (HTX) Trường Thành do Tô Hiến Thành làm Giám đốc ở Bắc Giang, hiện HTX Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có quy mô hoạt động  bài bản nhưng cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Hoàng Long cho biết, đầu những năm 2000 anh rủ thêm 4 người là anh em, bạn bè cùng chung chí hướng góp vốn xây dựng trang trại nuôi lợn với diện tích 2,2ha - đây vốn đất là cánh đồng trũng ở Tri Lễ, xã Tân Ước.

img

Theo ông Long(thứ hai từ trái), sản xuất theo chuỗi là hướng đi đúng đắn, giúp nông dân làm chủ được thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên để làm chuỗi này, nông dân cần phải có nhiều vốn. Ảnh: Hải Đăng

Để có vốn đầu tư, các thành viên trong HTX buộc phải thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay. Trong khi đó, giá trị thực tế của trang trại HTX lên đến 70 tỷ đồng (gồm hệ thống chuồng trại, dây chuyền chế biến thức ăn, giết mổ, kho bảo quản…. có giá trị 50 tỷ đồng) thì lại không được dùng để thế chấp do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

 Ông Nguyễn Trọng Long 

 Ban đầu hoạt động mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi (từ năm 2007), tiếp đó phát triển lên HTX (năm 2013). Đến nay, HTX đã chủ động chăn nuôi theo chuỗi từ đầu vào (con giống, thức ăn) đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ. HTX áp dụng quy trình chăn nuôi sinh học, được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận trại chăn nuôi an toàn và Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu xanh dương “A-Z”.

 “HTX đầu tư dây chuyền phối trộn thức ăn sinh học gồm các loại gạo, cám, mì, ngô, đỗ tương được ủ lên men trong 24 giờ. Với quy mô đàn lợn 430 con nái, gần 4.000 lợn thương phẩm, HTX đã chủ động khoảng 80% thức ăn. Ngoài ra, HTX còn đầu tư hệ thống giết mổ, chế biến và bảo quản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, khi đạt trọng lượng tiêu chuẩn, lợn thịt được giết mổ và chế biến ngay tại trang trại. Cụ thể, lợn được giết mổ trong nhà lạnh, sau đó đưa vào kho bảo quản ở nhiệt độ 0-4 độ C trong 8 giờ đồng hồ rồi mới đem ra lóc thịt thành phẩm. Sẵn địa phương có truyền thống làm giò chả nổi tiếng, một phần thịt lợn được xay, chế biến thành giò, chả, xúc xích ngay tại chỗ”- ông Long cho biết.

Theo ông Long, chuỗi A - Z của HTX Hoàng Long đi vào hoạt động vào thời điểm cuối năm 2016, cũng là lúc giá lợn hơi giảm sâu nhất trong lịch sử. Qua hệ thống cửa hàng thực phẩm A – Z, hiện tại HTX chủ động tiêu thụ được trên 30% sản lượng lợn đơn vị nuôi ra mỗi tháng.

Ông Long bộc bạch: “Có thể thấy, chăn nuôi theo chuỗi, nông dân phần nào chủ động được thị trường tiêu thụ, ít phải phụ thuộc thương lái. Tuy nhiên, để chăn nuôi theo chuỗi gắn sản xuất với giết mổ, chế biến, tiêu thụ thì cần có vốn, thậm chí là rất nhiều vốn”.

Theo tìm hiểu của các thành viên HTX Hoàng Long, Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị. Nhưng người nông dân rất khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do 2 rào cản. Thứ nhất là tài sản thế chấp, cụ thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại. Vấn đề thứ hai là giá trị tài sản trên đất định giá quá thấp so với thực tế.

“Hai rào cản này không mới, chúng tôi cũng kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đơn cử đất của trang trại của HTX là vốn là đất ruộng chuyển đổi của các thành viên trong HTX, không phải thuê hay mua bán. Để tiện cho công việc, các thành viên HTX đã đồng thuận chuyển về 1 chủ hộ. Từ khi dồn điền đổi thửa năm 2014, HTX đã xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phải đến đầu năm 2017 mới làm xong thủ tục và đang chờ cấp giấy. Trong khi đó, cho vay phát triển nông nghiệp nhưng hầu hết các ngân hàng đều đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để có vốn đầu tư các thành viên trong HTX buộc phải thế chấp sổ đỏ thổ cư của gia đình để vay. Trong khi đó, giá trị thực tế của trang trại HTX lên đến 70 tỷ đồng (gồm hệ thống chuồng trại, dây chuyền chế biến thức ăn, giết mổ, kho bảo quản…)  lại không được dùng để thế chấp do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” – anh Long trình bày.

Cần “cởi trói” về đất đai

Tương tự, ông Đặng Đình Tiên - chủ trang trại gà Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng gặp khó khăn về vay vốn. Ông Tiên trình bày, giá trị thực tế của trang trại gà đạt trên 50 tỷ đồng nhưng đất trang trại thuê theo hợp đồng 5 năm thì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuồng trại chăn nuôi được định giá rất thấp, nên chỉ được vay 600 triệu đồng.

“Để tháo gỡ rào cản về thiếu tài sản thế chấp thì chính sách về đất đai cần được cởi trói, trong đó chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho nông dân thuê đất trang trại từ 10 đến 20 năm thay vì thời hạn 5 năm như hiện nay, giúp các chủ trang trại có đủ thời gian xây dựng và phát triển, từ đó tăng giá trị tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng” –  ông Tiên đề nghị.

Đồng quan điểm với ông Tiên, ông Nguyễn Trọng Long cho rằng, để giải quyết vốn vay cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. “Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại thì ở đó nông dân được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn” – ông Long nhấn mạnh.

Đối với các ngân hàng thương mại, ông Long cho rằng cần có tổ chức chính trị - xã hội như Hội ND đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn qua các tổ nhóm, HTX. Ví dụ, Ngân hàng NNPTNT cần tăng cường cho vay thông qua các tổ nhóm liên kết, nâng mức cho vay và đơn giản các thủ tục để nông dân dễ tiếp cận. Đặc biệt, việc định giá tài sản đối với các trang trại cũng cần được thực hiện sát với thực tế để không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của các hộ dân.  

Thủ tục vay ngày càng khó

Tôi và nhiều hộ dân khác trong 2 tổ hợp tác đều vay tiền “nóng” từ bên ngoài. Nguyên nhân là do việc chăn nuôi gần đây gặp nhiều khó khăn về đầu ra và trong khi vay tiền từ phía ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chúng tôi vay vốn rất dễ nhưng hiện nay khó khăn hơn nhiều, không những thủ tục vay khó mà thời gian đáo hạn cũng bị rút lại, hiện chỉ còn 6 tháng thay vì 1 năm như trước. Gia đình tôi đã vay “nóng” bên ngoài khoảng 400 triệu đồng, hàng tháng phải trả khoảng 20 triệu đồng.  Giá lợn hiện chỉ còn 3 triệu đồng/tạ nên tôi đang chưa biết làm sao để trả nợ vay và tiền lãi”. 

Ông Nguyễn Văn Bé Chín - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn VietGAP (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) 

Người nuôi lợn phải “tự cứu”

  Trước đây, tôi vay vốn cũng dễ nhưng đợt giá lợn giảm vừa qua, tôi có nhu cầu vay khoảng 800 triệu đồng mua thức ăn chăn nuôi thì không vay được. Gia đình tôi phải tự cứu mình bằng cách mổ thịt lợn, bán cho bà con hàng xóm, phần còn lại đem ra TP. Vĩnh Long bán với giá bình ổn. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, mỗi ngày, gia đình tôi mổ từ 3-4 con lợn. Hiện trong trại nuôi của tôi vẫn còn tồn 1.300 con lợn lớn nhỏ”.

Bà Huỳnh Thị Nâu (ấp Phú Thạnh B, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít,
 tỉnh Vĩnh Long)

Huỳnh Xây (ghi)