Xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: baothainguyen
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến hết tháng 7.2017, cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó đã có khoảng 223 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 (hoàn thành mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 416 xã (4,7%) so với cuối năm 2016.
Cả nước đã có 34 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 4 huyện so với cuối năm 2016). Bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã, giảm 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2016 (dự kiến đến hết năm 2017 đạt bình quân 14 tiêu chí/xã). Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 179 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016.
Tuyến đường tràn ngập sắc hoa ở xóm 5 (xã Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định). Ảnh: Vnexpress
Được biết, trong năm 2017 tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước các cấp đã bố trí trực tiếp cho Chương trình là 30.152 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương là 8.000 tỷ đồng; vốn đối ứng từ các địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình đến hết tháng 6.2017 khoảng 22.152 tỷ đồng, trong đó, 50 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí được khoảng 11.708 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết tháng 6.2017, theo báo cáo của các địa phương khối lượng giá trị hoàn thành mới đạt khoảng 21%, trong đó, giá trị giải ngân vốn đầu tư phát triển là 642,2/5.824,8 tỷ đồng (chỉ đạt 11% so với kế hoạch). Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương 6 tháng đầu năm cũng như tốc độ tăng tiêu chí tại các địa phương tương đối chậm.
Nhờ triển khai xây dựng NTM, các tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện Hải Hậu (Nam Định) được xây dựng, chỉnh trang sạch đẹp, văn minh. Ảnh: Vnexpress
Nguyên nhân chủ yếu, theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương là do số chỉ tiêu của 19 tiêu chí tăng thêm 10 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2011-2015, đồng thời, nhiều tiêu chí quan trọng (tiêu chí thu nhập, môi trường, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, an ninh trật tự và quốc phòng...) có yêu cầu cao hơn so với trước đây.
Các địa phương chậm phê duyệt phương án phân bổ vốn thực hiện (mặc dù đã có văn bản đôn đốc của Bộ NNPTNT nhưng đến nay vẫn còn 2 tỉnh (Phú Thọ, An Giang) chưa có quyết định chính thức của UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư 2017). Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia...
Tuyến đường nội thôn Nà Chõ, xã Tân Nam, huyện Quang Bình (Hà Giang) được bê tông hóa sạch, đẹp, giúp bà con đi lại thuận lợi. Ảnh: Báo Hà Giang
Điều đáng chú ý là đến nay, các địa phương mới xử lý được khoảng 5.412 tỷ đồng nợ xây dựng NTM. Theo đó, tính đến hết 31.01.2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố còn khoảng 9.807 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 18 tỉnh không có nợ.
Một số tỉnh có tổng mức nợ lớn trong xây dựng NTM, nhưng kết quả xử lý trong năm 2016 còn chậm nên khó đảm bảo về tiến độ theo quy định của Quốc hội nếu như không có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới, như: Thái Bình (1.204 tỷ đồng), Hải Dương (776 tỷ đồng), Hà Nam (598,7 tỷ đồng)...