Trong quá trình công tác, dù có nhiều cống hiến và đóng góp tích cực, nhưng chỉ vì tư lợi hoặc lơ là trách nhiệm mà không ít lãnh đạo cao cấp này bị ảnh hưởng danh dự, công danh hay thậm chí sa vòng lao lý.
Thứ trưởng Bộ Y Tế khai man bằng cấp
Trong quá trình công tác tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Cao Minh Quang bị chỉ rõ hàng loạt sai phạm. (Ảnh: IT)
Tháng 6.2004, ông Cao Minh Quang được bổ nhiệm vào vị trí Cục trưởng Cục Quản lý dược. Năm 2007, ông Cao Minh Quang được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Trước khi ông Quang kết thúc nhiệm kỳ (2012), Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT Trung ương) đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm của ông Quang như: Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Cao Minh Quang thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo DN thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế; nhận xét, đánh giá tùy tiện, không mang tính chất xây dựng đối với cán bộ cấp dưới.
Ngoài ra, ông Quang còn vi phạm quy chế làm việc của cơ quan Bộ Y tế trong việc gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có nội dung trái với dự thảo nghị định về quản lý thanh tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm khi đã được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thống nhất trình Chính phủ; khai nhận học vị tiến sĩ không đúng thực chất văn bằng được cấp theo chương trình đào tạo tại Thụy Điển…
Ngày 18.12.2009, kỳ họp thứ 29 UBKT Trung ương Đảng khóa X đưa ra nhiều kết luận quan trọng liên quan đến các sai phạm của một số đảng viên và tổ chức Đảng (trong đó có ông Cao Minh Quang). Cụ thể, UBKT Trung ương xem xét, làm rõ trách nhiệm tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và các thành viên do liên quan đến một số sai phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý ngành. Riêng Thứ trưởng Cao Minh Quang, do vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, UBKT Trung ương đã cảnh cáo về Đảng, đồng thời kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý hành chính. Sau khi ông Quang có đơn khiếu nại, UBKT Trung ương đã xem xét hạ mức kỷ luật xuống khiển trách.
Sau đó không lâu, UBKT Trung ương tiếp tục xác minh một số vấn đề tố cáo ông Quang trong quá trình công tác. Tháng 3.2012, UBKT Trung ương ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Cao Minh Quang. Tháng 6.2012, tại cuộc họp của Ban Cán sự Đảng Bộ Y Tế liên quan đến việc kỷ luật về mặt chính quyền đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, đa số các ý kiến đề nghị không tái bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng đối với ông Quang. Tháng 12.2012, Thủ tướng ký quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang.
Tháng 1.2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký quyết định điều chuyển ông Cao Minh Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về làm chuyên viên Viện Dược liệu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT gặp lình xình ở vụ PMU 18
Sau 2 năm bị khởi tố và 18 tháng bị tạm giam phục vụ điều tra liên quan tới vụ án PMU 18, ngày 28.3.2008, ông Nguyễn Việt Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nhận Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bản thân ông từ VKSND Tối cao.
Theo đó, trong 3 tội mà cơ quan điều tra khởi tố, ông Tiến được đình chỉ 2 tội: cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS miễn trách nhiệm hình sự.
Cùng với quyết định đình chỉ, VKSND cũng đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tiến theo quy định của pháp luật.
Được biết, vụ án liên quan tới vị Thứ trưởng này bắt nguồn từ tháng 12.2005, khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an phá ổ bạc với sự góp mặt của Bùi Quang Hưng (Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội) và hơn 20 cán bộ Công an thành phố. Khám nhà, cảnh sát đã thu nhiều tài liệu liên quan cán bộ của PMU 18, đặt biệt là TGĐ Bùi Tiến Dũng.
Tiếp đó, điều tra về những sai phạm trong quản lý kinh tế tại PMU 18, đầu năm 2006, ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ GTVT - người tiền nhiệm của Bùi Tiến Dũng, bị triệu tập. Từ đây, vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được khởi tố với 9 bị can (trong đó có ông Nguyễn Việt Tiến).
Tới 28.8.2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Thứ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Việt Tiến. Trước đó, ngày 12.8, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Ủy viên BCH Đảng bộ khối cơ quan kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Thứ trưởng Bộ GTVT.
Tại đây, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng, Ủy viên BCH Đảng bộ khối cơ quan kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ GTVT của ông Nguyễn Việt Tiến. Ban Bí thư cũng yêu cầu Thủ tướng cách chức Thứ trưởng Bộ GTVT của ông Nguyễn Việt Tiến.
Liên quan đến Năm Cam, tướng công an “xộ khám”
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an hầu tòa. (Ảnh: IT)
Giữ vị trí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh từ năm 1990, ông Bùi Quốc Huy được bổ nhiệm chức GĐ Công an TP.HCM vào năm 1996. Năm 2001, ông này giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách công tác xây dựng lực lượng.
Trong thời gian làm GĐ Công an TP.HCM, tuy biết Trương Văn Cam (tức Năm Cam) là đối tượng hình sự nguy hiểm, có nhiều hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen, hoạt động phạm tội nghiêm trọng, công khai, kéo dài nhưng ông Bùi Quốc Huy đã không chỉ đạo, tổ chức biện pháp đấu tranh có hiệu quả, để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP HCM.
Sau những tiết lộ về sự liên quan đến đường dây “xã hội đen” Năm Cam và đồng bọn, năm 2002, ông Huy bị cách chức, bị tước quân tịch, quân hàm. Tới 30.10.2003, TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên án Bùi Quốc Huy 4 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.