Dân Việt

Teo tóp rừng Tây Nguyên - Bài 2: Mất rừng, mất luôn cán bộ

Đặng Trung Kiên 02/08/2017 18:10 GMT+7
UBND tỉnh Đăk Nông vừa ra quyết định “xóa sổ” hàng loạt công ty lâm nghiệp nhà nước do rừng bị tàn phá gần hết. Chưa hết, trong “cơn lốc” mất rừng, nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, khởi tố.

Huyện “né” nhận rừng

Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả 6 công ty lâm nghiệp bị giải thể do mất rừng quá nhiều trên địa bàn Tây Nguyên đều thuộc tỉnh Đăk Nông. Thực hiện phương án, UBND tỉnh Đăk Nông vừa ra quyết định giải tán các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân, Thuận Tân, Quảng Đức, Đức Lập, Quảng Tín và Gia Nghĩa. Hàng chục nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp còn lại sẽ được bàn giao cho UBND các huyện quản lý, bao gồm cả đất lâm nghiệp đã bị người dân bao chiếm. Tỉnh giao thì phải nhận, nhưng hầu hết các huyện đều “sợ” quản lý rừng, nên đang tìm cách “đẩy” cho đơn vị khác.

img

Rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân giao cho huyện Đăk Song quản lý đã biến thành vườn tiêu, nhà ở. Ảnh: T.K

Tại tỉnh Đăk Nông, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 34 cán bộ, công chức, viên chức của ngành bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, trong đó 10 trường hợp bị đề nghị khởi tố hình sự. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Làm việc với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Hoàng Vinh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Song – cho biết, huyện vừa nhận bàn giao khoảng 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp từ 2 công ty lâm nghiệp giải thể, diện tích nhiều vậy nhưng thực tế phần lớn đã bị người dân bao chiếm hết. Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân chỉ còn 389ha, Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân 55,7ha, lại nằm rải rác trên nhiều xã nên rất khó quản lý. Theo ông Vinh, huyện không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, không có kinh phí nên đang đề xuất tỉnh giao lại cho các đơn vị khác.

“Chúng tôi kiến nghị giao rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân cho Công ty lâm nghiệp Đăk N’Tao, còn rừng của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân thì ghép vào Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa nhưng chưa được cấp trên chấp thuận”- ông Vinh nói. Trước đó UBND tỉnh Đăk Nông thu hồi 935ha rừng của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa giao cho huyện Đăk Song quản lý, huyện giao cho các xã và nhanh chóng bị “xóa sổ” hoàn toàn. Tại huyện Tuy Đức-Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Huân cho biết, sau khi Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín bị giải thể, tỉnh giao cho huyện 2.000ha rừng thuộc 2 xã Đăk Ngo và Quảng Trực. UBND huyện đang tìm kiếm đối tác, đề nghị tỉnh chuyển giao toàn bộ diện tích này, có thể là Binh đoàn 16 hoặc Ban Chỉ huy quân sự huyện, tức phải là lực lượng vũ trang mới giữ được.

Rừng có chủ mà cũng như không

img

  Đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân bị lấn chiếm gần hết. Ảnh: Đ.T.K

Tại huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk), từ năm 2008 đến nay đã có hơn 15.000ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm khiến độ che phủ rừng suy giảm từ 65% xuống còn 49,7%, trong đó diện tích rừng do UBND các cấp quản lý bị mất hơn 3.200ha. Lãnh đạo xã Cư M’lan, một trong những xã mất rừng, cho biết: “Ban lâm nghiệp xã toàn các thành viên kiêm nhiệm, trừ kiểm lâm địa bàn, nhưng một kiểm lâm địa bàn thì không làm gì được. Mỗi khi có sự vụ xã phải huy động địa chính, công an, dân quân… mới ngăn chặn được, mà tiền đổ xăng cho anh em còn không có nên rất khó giữ rừng”.

Kết quả kiểm tra mới đây của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho thấy, đối với diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp bị giải thể, các địa phương chưa có phương án quản lý phù hợp. Còn UBND cấp xã, mặc dù đang được giao tới 386.000ha rừng (trên toàn vùng) nhưng không được giao kinh phí, cơ chế trách nhiệm cũng không rõ ràng nên khó giữ được. Cụ thể, UBND các xã vùng Tây Nguyên đã để mất 209.993ha rừng tự nhiên, chiếm 29,32% trong tổng diện tích rừng được giao. Các ban quản lý rừng để mất 112.130ha, chiếm 8,88% và các doanh nghiệp nhà nước để mất 87.192ha rừng tự nhiên, chiếm 9,47% trong tổng diện tích rừng tự nhiên được giao. Ông Lê Quang Dần – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông – cho rằng, UBND cấp xã là quản lý nhà nước về lâm nghiệp chứ không phải đơn vị chủ rừng. Do vậy diện tích rừng từ các công ty lâm nghiệp giải thể bàn giao cho xã chẳng khác nào rừng vô chủ.

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có trên 282.896ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho các UBND các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nhà nước… đang bị lấn chiếm, tranh chấp. Trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là 197.365ha, diện tích còn lại tranh chấp thuộc diện chưa giao quyền sử dụng đất. Các tranh chấp cũng tập trung chủ yếu rừng do UBND xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước quản lý…

UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên được giao quản lý diện tích rừng lớn (716.320ha, trong đó 386.482ha đất có rừng, diện tích còn lại là đất không có rừng) nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích rừng này trên thực ế không có chủ quản lý bảo vệ rừng cụ thể.  

Hàng chục cán bộ bị kỷ luật, khởi tố  

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Đăk Nông đã xảy ra 335 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 210ha rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó huyện Đăk Song xảy ra 119 vụ làm thiệt hại 40ha rừng. Đặc biệt tại 24/44 dự án phát triển nông - lâm nghiệp do tỉnh cho thuê đất, tình trạng tranh chấp đất giữa người dân với doanh nghiệp hết sức căng thẳng, dẫn đến khiếu kiện đông người.
Sở NNPTNT cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 34 cán bộ, công chức, viên chức của ngành bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, trong đó 10 trường hợp bị đề nghị khởi tố hình sự. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã bắt tạm giam các ông Lê Xuân Bảo – nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức, ông Thái Thanh Tâm – nguyên tổ trưởng bảo vệ rừng, ông Phạm Quốc Đính – nguyên Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa - về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ thanh tra, Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức được giao hơn 14.000ha rừng nhưng để mất hơn 5.100ha, còn Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa được giao 24.000ha và để mất 8.700ha. Ngoài ra, Sở NNPTNT cũng đã chuyển đổi vị trí công tác 64 trường hợp, phần lớn là lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp…