Theo báo cáo tài chính mà Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico vừa công bố, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, mảng trái cây đã mang về 809 tỷ đồng doanh thu và 425 tỷ đồng lợi nhuận - tương ứng với biên lợi nhuận gộp đạt 52,5%.
Kinh doanh trái cây đang mang lại lợi nhuận hơn 2,3 tỷ đồng/ngày cho bầu Đức (Ảnh: IT)
Với kết quả kinh doanh này, mảng trái cây đã vươn lên dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu phân theo sản phẩm giai đoạn nửa đầu năm nay.
Kết quả kinh doanh tốt hơn so với dự tính
Báo cáo của HNG cho thấy, hoạt động kinh doanh trái cây của HAGL đang có những bước khởi đầu tốt hơn so với dự tính của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Cụ thể, trước đó tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2017 của doanh nghiệp này, HNG đặt ra kế hoạch cho mảng trái cây là sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận lên tới 42,4% (1.094 tỷ lợi nhuận gộp trên 2.578 tỷ đồng doanh thu) - Một tỷ suất lợi nhuận vốn rất cao đối với ngành kinh doanh cây ăn trái tại Việt Nam vốn khá bấp bênh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì tỷ suất lợi nhuận này đang còn cao hơn mong đợi.
Theo đó, tỷ suất lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm 2017 của ngành trái cây mang lại đã đạt tới 52,5%. Tương ứng, với con số 809 tỷ đồng doanh thu thu được từ bán trái cây thì bầu Đức “bỏ túi” khoản lợi nhuận lên tới 425 tỷ đồng; hay nói một cách cụ thể hơn, mỗi ngày bầu Đức bỏ túi hơn 2,3 tỷ đồng lợi nhuận.
Tất nhiên, theo phân tích của giới tài chính thì lợi nhuận gộp chỉ mới phản ánh một phần hiệu quả hoạt động kinh doanh trái cây bởi lợi nhuận thực sự mà bầu Đức “bỏ túi” cần phải trừ đi các chi phí tài chính, chi phí quản lý, vận chuyển, bảo quản... liên quan trực tiếp đến mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, những khởi đầu tốt đẹp này khiến cho khá nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ, đồng thời cũng làm cho cổ phiếu HNG đã có 6 phiên liên tục tăng giá, vượt qua mức 10.400 đồng/CP.
Vì sao mảng trái cây mang lại lợi thế lớn như thế cho bầu Đức so với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam?
Trước hết, bầu Đức hiện đã trồng 17 loại trái cây khác nhau với diện tích trồng là 18.686 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia nên nếu nói về yếu tố cạnh tranh, bầu Đức hiện chỉ chịu sức cạnh tranh đến từ các nông trại nhỏ, sản lượng không đáng kể. Chưa kể về lợi thế quy mô khiến chi phí sản xuất thấp hơn so với mặt bằng chung.
Kế đến, theo báo cáo của HNG, chất lượng sản phẩm của HAG vượt trội so với trái cây của các hộ nông dân nhỏ lẻ. Trên thực tế, quy mô trồng lớn giúp HAG có thể bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà bán buôn tại Trung Quốc. Do vậy, giá bán của HAG cao hơn 30-50% so với các hộ tiểu nông trong khi nhu cầu lại ổn định hơn.
Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Trung Quốc đang tăng mạnh nên HAG có thể tiêu thụ được toàn bộ sản phẩm chanh dây. Trên thực tế, theo thông tin từ Tập đoàn HAGL thì trái cây của HNG được trồng dựa trên thỏa thuận về sản lượng được ấn định từ trước với khách hàng trong khi giá bán được điều chỉnh theo giá thị trường, nên doanh nghiệp này cũng không lo đầu ra cho các sản phẩm...
Bầu Đức đã “trải đường” cho ngành trái cây thế nào?
Theo phân tích của một chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), bầu Đức đã “trải đường” khá rộng cho ngành trái cây của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, ngoài khách hàng chính là cái nhà bán sỉ lớn ở Trung Quốc, bầu Đức còn thông qua hợp tác với MWG (Công ty CP Thế giới Di động), để phân phối sản phẩm trái cây vào chuỗi Bách Hóa Xanh của doanh nghiệp này, giúp mảng trái cây của bầu Đức xâm nhập thị trường trong nước, đồng thời cũng giúp giảm bớt rủi ro thị trường.
Hiện tại, tuy sản lượng trái cây ban đầu bán cho MWG không thực sự lớn (MWG hiện có 105 cửa hàng Bách hóa Xanh, tiêu thụ 15-20 tấn trái cây mỗi ngày). Tuy nhiên, tiềm năng này có thể sẽ tăng lên khi tại Đại hội cổ đông mới đây của MWG, doanh nghiệp này đạt mục tiêu đến cuối năm nay, số cửa hàng sẽ tăng lên 250 cửa hàng và trong 12 tháng tới, hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ tiêu thụ trái cây đạt 200 - 5.000 tấn mỗi ngày.
Nên nhớ, phía Bách Hóa Xanh đã ký cam kết sẽ ưu tiên hàng do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất trước các nhà cung cấp khác cùng mặt hàng.
Ngoài ra, để chủ động trong việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, bầu Đức cũng thành lập công ty chuyên phân phối trái cây là Heygo với 51% sở hữu của HAG. Trong tương lai, Heygo sẽ xây dựng hệ thống các cửa hàng bán lẻ trái cây tại các thành phố lớn và thực hiện một số chiến lược bán hàng khác ở trong nước và các thị trường xuất khẩu tiềm năng...
Một báo cáo mới đây về tiềm năng kinh doanh ngành trái cây của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do Công ty Chứng khoán HSC công bố khiến khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ, đó là không phải toàn bộ diện tích trồng trái cây hiện tại đều thuộc sở hữu của HAG. Cụ thể, trong 18.686 ha trồng trái cây của bầu Đức, có khoảng 906 ha diện tích trồng chanh dây; 296,2 ha trồng bơ; 223 ha trồng sầu riêng; 50 ha trồng bưởi và 50 ha trồng cam thuộc sở hữu của Công ty Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng. Đây là một công ty TNHH và HAG không có cổ phần tại Đại Thắng. Tuy nhiên, về cơ bản theo giải thích của HAG thì đơn vị này đang nắm quyền kiểm soát công ty Đại Thắng dù việc kiểm soát theo hình thức nào thì không được tiết lộ. Ngoài ra, có 391,3 ha diện tích trồng chanh dây; 71,6 ha trồng chuối; 80,1 ha trồng bơ và 32,7 ha trồng sầu riêng thuộc sở hữu của Công ty chăn nuôi Gia Lai (HAG đang sở hữu 23,46% cổ phần công ty này). Theo thông tin được công bố, từ đầu năm 2017 đến nay, HAG đã mua trái cây từ 2 công ty trên với giá bằng giá thành và hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được sau khi bán. Ngoài ra, HAG có thể sẽ mua Đại Thắng trong quý 3.2017 này nhưng chưa có kế hoạch mua Công ty chăn nuôi Gia Lai. |