Clip cán bộ phường 15 (quận Tân Bình) vào nhà dân bắt gà
Lãnh đạo phường: “Anh em hơi nóng vội”
Vừa qua, đoạn clip ghi lại diễn biến vụ việc lực lượng chức năng phường 15 (quận Tân Bình) phá khóa của một nhà dân để vào nhà bắt 9 con gà đông tảo, đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Nhiều ngày trôi qua, vụ việc vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Để tìm câu trả lời cuối cùng cho vụ việc nói trên, PV đã liên hệ với ông Lâm Việt Thảo - Chủ tịch UBND phường 15 (quận Tân Bình) vào trưa 2/8. Trao đổi với PV, ông Thảo cho biết, công tác kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy gia cầm được nuôi giữ trái phép trong khu dân cư, không qua kiểm dịch đã được phường thực hiện lâu nay, xuất phát từ chỉ thị của UBND TP.HCM và chỉ đạo của quận.
Đối với trường hợp của anh Đào Tuấn Anh (ngụ đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình) như báo chí “mổ xẻ” trong thời gian qua, ông Thảo nhận định, các cán bộ phường đã hơi nóng vội và xử lý sai quy trình.
“Trong quá trình thực hiện, anh em cũng có hơi nóng vội, xử lý chưa đúng theo các quy định pháp lý về hành chính. Đối với trường hợp này, cần phải xin lệnh khám xét trước. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý các cán bộ liên quan”, ông Thảo nói.
Cán bộ phường 15 (quận Tân Bình) đang bắt gà Đông Tảo trong vườn nhà dân, cho vào bao.
Về những sai phạm và cách xử lý cụ thể các cán bộ liên quan vụ việc này, Chủ tịch UBND phường 15 Lâm Việt Thảo hẹn trả lời thêm với PV vào sáng mai (3/8).
Trước đó, ông Thảo từng cho biết, trong vụ việc này, lực lượng chức năng của phường đã bắt 9 con gà đông tảo tại hộ nhà anh Anh, rồi giao cho thú y đưa ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa tiêu hủy.
Có dấu hiệu lạm quyền
Về diễn biến vụ việc, ngày 26/7, các cán bộ của phường 15 tới nhà anh Đào Tuấn Anh gõ cửa thì có người ở trong nhưng không mở cổng tiếp đoàn. Do đoàn đã từng nhắc nhở hộ dân này về việc nuôi gà trái phép trong khu dân cư nên lần này, các cán bộ phường quyết định cắt khóa và tịch thu số gà nói trên dưới sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố.
Đối với việc làm trên, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo qui định của pháp luật, cụ thể tại điều 22 Hiến pháp 2013, mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không có được sự đồng ý của người đó.
“Ở vụ việc này, hành vi bẻ khóa của nhóm cán bộ phường là trái qui định của pháp luật, có dấu hiệu lạm quyền”, luật sư Thảo nhận định.
“Cho dù hành vi nuôi gà của hộ gia đình trên có sai phạm, thì cũng có đến mức cần thiết phải thực hiện hành vi bẻ khóa để xông vào nhà truy bắt “tội phạm” gà Đông Tảo hay không? Căn cứ pháp lý nào để cho rằng họ bắt buộc phải thực hiện việc bẻ khóa, xông vào nhà người dân như thế? Họ đã xuất trình được lệnh khám xét nhà hay chưa? Nếu chưa xác định hành vi vi phạm trong căn nhà trên mà bẻ khóa xông vào nhà như vậy, thì sẽ ra sao nếu không có “tội phạm” gà Đông Tảo trong nhà?”, luật sư Thảo mổ xẻ.
Do đó, theo luật sư Thảo, hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp như trên đã vi phạm điều 124 Bộ luật hình sự. Chưa kể về pháp lý, chỉ thị 02/2015 của UBND TP.HCM cho đến thời điểm này đã không còn hiệu lực, và chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, sự sốt sắng, hiểu sai mục đích và ý nghĩa chỉ thị 02/2015 của UBND TP.HCM đã khiến các cán bộ phường đẩy sự việc đi theo chiều hướng tiêu cực. “Hình ảnh xông xáo bẻ khóa nhà dân để thực hiện hành vi cưỡng chế, bắt gà Đông Tảo như trong clip là rất phản cảm”, luật sư Vũ nói.
Các luật sư cũng chỉ ra rằng, hình ảnh các cán bộ phường không dùng quần áo bảo hộ (găng tay, khẩu trang,...) là một tình huống đối lập về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và sự xông xáo không cần thiết của họ.
Chuồng gà này nằm sát cửa phòng của nhà hàng xóm, nơi có em bé mới sinh.