Dân Việt

Công nghiệp vi mạch Việt Nam: Liệu cơm gắp mắm!

Hoàng Triều 06/08/2017 08:15 GMT+7
Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Tương lai công nghiệp vi mạch Việt Nam”. Tại buổi toạ đàm này, nhiều chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ nhiều thông tin mới, gợi mở nhiều góc tiếp cận để tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp còn quá non trẻ này.

Câu chuyện hơn 20 năm trước…

Tại buổi toạ đàm, GS Đặng Lương Mô, cố vấn của trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch (gọi tắt là ICDREC, trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) lần đầu tiết lộ thông tin: “Không phải những ngày này chúng ta mới nói về vi mạch mà hơn 20 năm trước, vi mạch đã được nói đến, đã có những viên gạch đầu tiên. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều cơ hội đã bị đánh mất”.

img

GS Mô và Ngô Đức Hoàng với mô hình minimal fab (xưởng cực tiểu) trong sản xuất vi mạch. Ảnh: Kế Thành.

Theo GS Mô, những năm 1994-95, từ Nhật trở về Việt Nam, ông tổ chức những buổi toạ đàm về công nghiệp vi mạch, tập hợp đội ngũ chuyên gia… “Năm 2000, tôi chủ trì xây dựng phòng nghiên cứu thiết kế và mô phỏng tại ĐH Bách khoa TP.HCM với số tiền 35.000 USD được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Lúc đó, Ngô Đức Hoàng là trưởng phòng. Cũng trong năm đó, anh Hoàng và hai nhân viên của phòng qua Nhật học quy trình thiết kế vi mạch tại ĐH Hosei, Tokyo”.

Tại buổi toạ đàm, GS Mô vẫn còn luyến tiếc một dự án mà theo ông, nếu hoàn thành sẽ tạo ra một diện mạo mới cho công nghiệp vi mạch Việt Nam. Chuyện là, năm 2003, thông qua GS Mô, Chính phủ Nhật Bản chuyển giao miễn phí một dự án sản xuất vi mạch cho Việt Nam với giá trị 7,12 triệu USD. “Rất tiếc, bộ Kế hoạch và đầu tư không sắp xếp vị trí ưu tiên cho dự án trên nên Chính phủ Nhật Bản đã huỷ”.

Dù cơ sở cho ngành vi mạch còn sơ sài, nhưng theo số liệu của GS Mô, từ ngôi trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã có trên 20 tiến sĩ về vi mạch, nhưng hiện nay phần lớn họ đang làm việc ở nước ngoài, như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cách đây mười năm, GS Mô cũng là người gầy dựng chương trình đào tạo vi mạch hệ thạc sĩ tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. “Đến nay, phần thiết kế vi mạch, Việt Nam đã làm được nhiều thứ, nhưng riêng phần chế tạo thì… vẫn chưa được gì cả, vì thiếu đầu tư máy móc”, GS Mô đánh giá thẳng thắn.

Liệu cơm gắp mắm!

Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị, giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng cho biết, hiện nay, ICDREC đang chuyển sang thiết kế chip công nghệ 65nm thay vì công nghệ 180nm. “Trước đây, theo chương trình vi mạch của TP.HCM, ICDREC thiết kế với công nghệ 180nm để phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất chip của tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) với vốn đầu tư ước chừng 300 triệu USD. Nhưng nay, chắc chắn dự án này đã thất bại nên chúng tôi phải chuyển đổi công nghệ thiết kế. Phần sản xuất chip chuyển ra nước ngoài làm”, ông Hoàng nói.

Tham dự toạ đàm, TS Wakabayashi (ĐH Shinshu, Nagano, Nhật Bản) cho rằng, qua tham khảo mô hình của ICDREC, việc trung tâm này chọn cách sản xuất nhỏ với chi phi thấp là một hướng đi đúng! “Nhưng thiết kế và sản xuất phải cùng lộ trình để làm sao giá thành sản phẩm ngày càng rẻ. Vậy ICDREC, cũng như nhiều cơ sở thiết kế vi mạch Việt Nam cần phải tính là chọn quy mô đầu tư máy móc sản xuất như thế nào cho phù hợp với năng lực và nhu cầu chip của thị trường Việt Nam”, TS Wakabayashi đặt vấn đề. Theo TS Wakabayashi, với xu hướng IoT mà thế giới đang theo đuổi, chọn mô hình “minimal fab” (xưởng cực tiểu) mà các nhà khoa học Nhật đang trong quá trình hoàn thiện về công nghệ là bước đi hợp lý. “Tôi nói hợp lý là vì chi phí đầu tư mô hình minimal fab thấp hơn 1.000 lần so với những nhà máy lớn mà nhiều hãng sản xuất có tiềm lực tài chính đang sử dụng. Chưa kể giá wafer (tấm nền) có kích thước từ 0,5 – 4 inch hiện có giá rẻ. Ở Mỹ, nhiều cơ sở thiết kế vi mạch vẫn còn làm và bán khá tốt những con chip có kích thước 1,5 micron”, TS Wakabayashi chia sẻ. Theo GS Mô, minimal fab không chỉ phù hợp sản xuất chip với số lượng ít mà còn phù hợp với nhu cầu nghiên cứu, học tập về vi mạch cho các viện trường, doanh nghiệp vì diện tích đặt máy chỉ cần vài chục mét vuông, không cần phòng sạch…

Sau khi dự án nhà máy sản xuất chip do CNS có nguy cơ thất bại, ngày 15.9.2015, ban quản lý SHTP đã ký bản ghi nhớ với nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ minimal fab của Nhật, trong việc đào tạo nhân sự cũng như ưu tiên chuyển giao sản phẩm cho SHTP. Ban đầu có nguồn tin nói rằng, giá của một “dây” minimal fab chừng 5 triệu USD, nhưng theo thông tin gần đây, giá đã lên tới 25 – 30 triệu USD. “Vì mô hình minimal fab đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa chốt được giá cuối cùng, nhưng SHTP có những quan hệ thân thiện với tổ hợp nghiên cứu, sẽ có giá thấp nhất”, TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý SHTP, nói với TGTT.

 Chương trình vi mạch TP.HCM đang được viết lại mục tiêu và lộ trình. SHTP đẩy mạnh thiết kế, chế tạo cảm biến vi cơ điện tử (MEMs). ICDREC chuyển hướng thiết kế vi mạch công nghệ 65nm trên wafer công nghệ SOTB. Đầu năm 2018, khi mô hình minimal fab của Nhật Bản hoàn thiện về công nghệ, nếu SHTP hoặc ICDREC không được cấp vốn để đầu tư “nhà máy”, sẽ có vài doanh nghiệp tư nhân nhảy vào đầu tư, một nguồn tin chia sẻ.