Dân Việt

Biết “bắt bệnh” máy nông nghiệp, không còn lo lỡ mùa vụ

Đức Thịnh 07/08/2017 13:50 GMT+7
Thay vì phải “đắp chiếu” máy cơ khí nông nghiệp khi hỏng hóc hoặc mòn mỏi chờ thợ sửa, giờ đây nông dân trồng rau ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có thể tự tin “bắt bệnh” và tự sửa chữa, không còn lo bị lỡ mùa vụ.

Dạy theo nhu cầu nông dân

Anh Trần Văn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Minh cho biết: "Quảng Minh là xã có vựa rau xanh lớn nhất huyện Hải Hà. Hiện nay, toàn xã có hơn 60ha trồng rau, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 4. Từ trồng rau, đời sống người dân được nâng cao vì doanh thu từ rau, cá cao hơn gấp 3-5 lần trồng lúa trên cùng diện tích".

img

Sau lớp học nghề, một số nông dân xã Quảng Minh đã mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp tại nhà. Ảnh: Đức Thịnh

Năm 2013, thấy Hội Nông dân xã tổ chức khóa học sửa chữa máy nông nghiệp, tôi đăng ký tham gia đầu tiên. Sau lớp học nghề, không chỉ tự sửa chữa được máy nông nghiệp của nhà mình tôi còn nhận sửa cho các hộ khác kiếm thêm thu nhập”.

Ông Nguyễn Thế Hưng

Theo anh Thành, nhiều năm trở lại đây, người dân xã Quảng Minh đã dần hướng tới chuyên nghiệp việc thâm canh trồng rau.  Trước đây, phần lớn nông dân khi sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ được đại lý bán máy hướng dẫn qua loa việc vận hành. Vì vậy, khi sử dụng không tránh khỏi hỏng hóc.

“Từ năm 2013, cùng với mở các lớp dạy nghề trồng rau an toàn, Hội Nông dân xã phối hợp Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm mở lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 35 hộ nông dân trồng rau trong xã - những người sở hữu các loại máy nông cụ” - anh Thành thông tin.

Tiết kiệm chi phí sửa chữa

Anh Thành cho hay, việc tiết kiệm chi phí sửa chữa đáp ứng đúng nguyện vọng nên bà con tham gia lớp học nghề rất hào hứng. Theo quy định, số học viên tối đa mỗi lớp chỉ có 35 học viên nhưng buổi học nào cũng có thêm các học viên dự thính. Với phương châm dạy là cầm tay chỉ việc, học đi đôi với hành, học viên tiếp thu kiến thức rất nhanh.

“Nông dân được hướng dẫn trực tiếp cách khắc phục những sự cố nhỏ thường gặp trên máy. Thậm chí sau khóa học, một số người đã sửa chữa được những lỗi hỏng nặng và mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp” - anh Thành cho hay.

Là một trong những học viên tích cực của lớp học nghề, đến nay ông Nguyễn Thế Hưng – Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh rau an toàn Quảng Minh đã mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp ngay tại nhà. Ông Hưng chia sẻ, trước năm 1990 ông có làm nghề cơ khí, về sau thì tập trung chuyên canh trồng rau. Để nâng cao năng suất trồng rau, ông có đầu tư máy móc như máy cày, máy bơm… để cơ giới hóa việc trồng rau.

“Trong quá trình sử dụng, máy móc không tránh khỏi hỏng hóc. Hỏng cái đơn giản tôi sửa được, nhưng cái khó phải đến thợ sửa chữa, nhiều khi rất phụ thuộc. Nhất là vào mùa vụ, máy móc hỏng nhiều, thợ sửa không kịp, tôi phải xếp hàng đợi rất lâu. Năm 2013, học sửa chữa máy. Sau lớp học nghề, không chỉ tự sửa chữa được máy nông nghiệp của nhà mình tôi còn nhận sửa cho các hộ khác kiếm thêm thu nhập” - ông Hưng phấn khởi nói.