Dân Việt

Trồng 5ha nhãn Hương Chi, thu 20 tấn quả, lãi nửa tỷ đồng/năm

Thu Thủy 07/08/2017 06:05 GMT+7
Cách đây 7 năm, ông Phạm Đức Tuyển, thôn Lôi Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo (Tp Hải Phòng) mạnh dạn chặt vườn vải thiều để trồng nhãn Hương Chi. Quyết định này của ông ban đầu khiến nhiều người “đau xót” thay, nhưng hiện nay mỗi năm gia đình ông lãi ròng 500 triệu đồng từ vườn nhãn ngon này.

Mạnh dạn nắm bắt cơ hội

Ông Tuyển xuất thân từ 1 gia đình thuần nông, từ bé ông đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê nhà. Xuất ngũ trở về, ông Tuyển cũng đã bôn ba làm thuê nhiều nơi, làm khá nhiều nghề từ phụ hồ đến bán vật liệu xây dựng nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn.

img

Năm nay, mặc dù nhiều nơi nhãn mất mùa, nhưng vườn nhãn Hương Chi của gia đình ông Tuyển vẫn sai quả. Ảnh: Thu Thủy.

Từ khi nhà nước có chính sách vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã về quê bàn với gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Lúc đầu ông Tuyển trồng vải thiều, cây vải cũng cho ông nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng từ những năm 2005 trở đi giá vải  không ổn định thu nhập từ quả vải không được cao. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, những tấm gương sản xuất giỏi, ông Tuyển biết đến nhiều thứ cây có giá trị kinh tế có thể thay thế cây vải thiều-đó là giống nhãn Hương Chi.

Sau nhiều lần đắn đo, ông quyết định dừng lại và chọn giống nhãn Hương Chi để mang về vườn trồng. Lúc đầu chưa yên tâm với việc trồng giống nhãn này, ông phải lặn lội về Hưng Yên học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật, đồng thời mua thử 200 gốc nhãn Hương Chi về trồng. Năm 2010 ông mạnh dạn chặt hết vườn vải thiều chuyển dần sang trồng nhãn Hương Chi cùng với một số cây ăn quả có giá trị khác như táo, mít, na, chuối…

Ông Tuyển nhận thấy giống nhãn Hương Chi có nhiều ưu điểm lại khá phù hợp với thổ nhưỡng nhà mình. Chỉ sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, nhãn đã cho thu hoạch. Năm nhãn ra bói, ông thu về 3 tấn quả với giá bán 25 nghìn đồng/ kg. Những năm tiếp theo, cây nhãn lớn dần, sản lượng nhãn quả cũng tăng theo, đạt 8- 10 tấn quả/ năm. Riêng năm nay, nhiều nơi nhãn mất mùa nhưng nhãn Hương Chi của gia đình ông vẫn sai quả. Chỉ tính riêng 5ha trồng nhãn của gia đình năm nay cho thu 20 tấn nhãn quả, trừ mọi chi phí ông Tuyển thu về 500 triệu đồng.

img

 “Giống nhãn Hương Chi có đặc điểm là ra hoa nhiều lượt, nếu gặp thời tiết bất thuận không đậu thì nhãn ra lượt 2, lượt 3, do đó ít bị mất mùa, nhãn cho năng suất ổn định...”, ông Tuyển cho hay.

Đặc biệt, nhãn Hương Chi trồng trong vườn nhà ông Tuyển cho quả to, tròn, mọng ăn ngọt và thơm nên khách hàng rất hài lòng. Nhờ thế nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái nhiều nơi đến tận vườn thu mua gia đình đỡ nhiều công vận chuyển.

“Chuẩn” nông dân thích trồng cây

 Với diện tích trên 5ha, ông Tuyển trồng 800 gốc nhãn giống Hương Chi. Tại những phần đất trống, khoảnh đất nhỏ xen kẻ trong vườn nhãn, ông Tuyển trồng thêm 100 gốc táo, 200 gốc mít, 700 gốc hoa hòe, trồng thêm vườn măng tây và hàng nghìn gốc chuối các loại. Vì vậy, khu vườn nhà ông Tuyển mùa nào thức ấy, hầu như tháng nào gia đình ông cũng có thu nhập từ việc bán các loại cây trái. Thấy vậy, nhiều người khắp nơi tìm đến hỏi kinh nghiệm và học tập. Ông Tuyển sẵn sàng giúp đỡ về kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc cây, hỗ trợ cây giống cho bà con.

img

 Do nhạy bén trong sản xuất, thực hiện tốt chủ chương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp một cách hợp lý, đến nay gia đình ông Phạm Đức Tuyển đã trở thành hộ sản xuất giỏi tiêu biểu của địa phương trong nhiều năm qua.

Chị Nguyễn Thị Lựu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Long cho biết, ông Tuyển là người đầu tiên trong xã thành công với hệ thống vườn cây ăn quả chất lượng. Từ tấm gương này, Hội Nông dân xã đang vận động các hội viên tiếp tục phát triển những mô hình trồng cây có giá trị kinh tế theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập của người nông dân. “Mô hình trồng nhãn Hương Chi, trồng cây ăn quả của gia đình nông dân Phạm Đức Tuyển không chỉ đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung của xã, huyện và  thành phố”- chị Lựu khẳng định.