Dân Việt

“Săn” ốc bươu vàng bán cho... Trung Quốc

Dương Mỹ Tiên 15/10/2013 06:56 GMT+7
Bà con Hậu Giang, Bạc Liêu... đổ xô đi bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc. Việc bắt ốc mang lại nguồn thu và tiêu diệt loài ốc phá hoại này. Tuy nhiên, nếu quản lý không khéo thì sẽ gây ra tai họa...
Nhà nhà đi bắt ốc

Liên tục những ngày gần đây, bà con vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc. Khó có thể ngờ rằng loại vật nằm trong danh sách chuyên phá hoại mùa màng như ốc bươu vàng lại có ngày “lên ngôi” với giá bán đến 18.000 đồng/kg.

Hoạt động thu mua, chế biến ốc bươu vàng ở một cơ sở tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Hoạt động thu mua, chế biến ốc bươu vàng ở một cơ sở tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày cuối tuần qua tại Hậu Giang, hoạt động, mua bán ốc bươu vàng diễn ra nhộn nhịp. Trên đường vào thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ), chúng tôi bắt gặp nhiều nhà dân treo bảng thu mua và chế biến ốc bươu vàng để bán cho thương lái. Một chủ vựa cho biết, gia đình anh chỉ thu gom, và đến đêm là có người đưa xe tải từ TP.Hồ Chí Minh xuống trả tiền, bốc hàng. Theo lời nhiều chủ vựa, những người đi thu gom ban đầu là thương lái Trung Quốc, còn họ vận chuyển đi đâu, làm gì thì không ai biết…

Theo chân một gia đình đi bắt ốc bán, chúng tôi được chị Trần Thị Gay ở ấp 3, xã Thuận Hòa (huyện Long Mỹ) chia sẻ: “Tui bắt ốc bán đã hơn 1 năm nay, mỗi ngày vợ chồng tui bắt được cũng hơn 10kg ốc, kiếm được gần 200.000 đồng, khỏe hơn đi làm thuê…”.

Theo chị Gay, con ốc trước khi bán phải qua nhiều công đoạn, khi bắt về phải phân ra lớn nhỏ, sau đó đem trụng nước sôi để tách phần thân ruột khỏi vỏ, cắt bỏ phần đuôi rồi đem ướp nước đá cho tươi, bán mới được giá cao. Anh Huỳnh Văn Ấn ở ấp 8, xã Thành Hưng (Long Mỹ) cũng tiết lộ: “Tôi mới bắt ốc bán khoảng 7-8 ngày nay, một ngày tui bắt cũng được hơn 10kg, kiếm được cũng gần 200.000 đồng. Ốc có giá ai cũng ham nên trong xóm tui ai cũng đi bắt”.

Nhiều bà con cho rằng, con ốc này là “cứu tinh” cho bà con lao động nhàn rỗi. Theo lời chị Lâm Thị Hồng (ở ấp Long Bình 2, xã Long Phú, huyện Long Mỹ), công việc hằng ngày của chị là lựa ốc. Trung bình mỗi ngày chị kiếm được khoảng 50.000 đồng, tuy không bằng đi làm lúa mướn nhưng?khỏe hơn vì ngồi trong mát.

Sự nguy hiểm khó lường!

Được biết, giá ốc được thu mua tại các vựa ở huyện Long Mỹ dao động từ 17.500-18.000 đồng/kg. Việc này không những thu hút người dân bắt ốc trong vùng mà còn làm hấp dẫn bà con nông dân ở tỉnh khác.

Anh Nguyễn Văn Quốc ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (Bạc Liêu) nói: “Cả tháng qua, mỗi ngày tôi vượt gần 50km từ nhà đến Long Mỹ để bán ốc. Ở dưới quê tui ốc bươu vàng này nhiều lắm, nên tui lập một vựa nhỏ để thu mua ốc vận chuyển lên đây. Trung bình mỗi ngày tôi bán gần 200kg ốc…”. Cũng là chủ thu mua ốc ở Bạc Liêu, anh Danh Văn Hưởng nói chắc nịch: “Tui cũng thu mua ở Bạc Liêu hơn 3 tháng rồi, hôm nay tui thu được hơn 100kg. Việc thu mua bán ốc này rất khỏe, tính ra còn lời hơn cả mua bán cua hay những thứ khác”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào thời từ điểm từ 14 - 19 giờ mỗi ngày, người dân từ khắp nơi nườm nượp đem ốc đến các vựa ở thị trấn Long Mỹ bán. Anh Phan Văn Trị - chủ vựa cá Mỹ Châu tại ấp 4, thị trấn Long Mỹ cho biết: “Một ngày có trên cả trăm người đến bán ốc, thường ốc được bắt vào tối, buổi sáng họ tách ốc, nên tới chiều mới đem ra bán. Trong năm thì từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là buôn bán xôm tụ nhất. Bởi thời gian này, đồng ruộng chỉ còn rạ là lúc con ốc bươu vàng sinh sôi nhiều nhất. Vào những ngày cao điểm, vựa tôi thu mua lên đến 5-6 tấn…”.

Xung quanh việc người dân tự thu mua và chế biến, bán con ốc bươu vàng này cho thương lái Trung Quốc, một chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Việc bắt ốc đã mang lại nguồn thu cho bà con và góp phần tiêu diệt loài ốc phá hoại mùa màng này là tốt. Tuy nhiên, nếu quản lý không khéo thì đây sẽ là nguồn tai họa lớn. Nguy hiểm nhất là thời điểm người dân gom ốc sống về lưu chứa trong nhà chờ sơ chế. Thời gian này con ốc rất dễ sinh sôi nảy nở và đẻ trứng. Nếu quản không được thì hậu quả khó lường. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ họ thu mua để làm gì?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tuấn An - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Nói ra thì chính quyền không ủng hộ việc bắt và bán - mua ốc này, vì ốc được thương lái Trung Quốc thu mua không biết dùng để làm gì. Nhưng vì bắt ốc giúp người dân có thêm thu nhập nên đành phải cho họ làm. Chúng tôi cũng kiểm tra nghiêm ngặt để tránh tình trạng tự nuôi ốc bươu vàng vì việc này rất nguy hiểm”.

Nuôi ốc bươu vàng - nguy hại khó lường


Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, việc bắt ốc bươu vàng bán thực ra không ảnh hưởng gì đến việc canh tác của người dân. Tuy nhiên điều đáng lo nhất là sợ người dân vì mê lợi nhuận từ việc bán ốc mà ồ ạt đi nuôi ốc bươu vàng thì nguy hại khó lường. Tình trạng trên, theo ông Đồng những năm trước đây có diễn ra ở Hậu Giang nhưng các cấp chính quyền địa phương đã kịp thời ngăn chặn. “Chúng tôi ghi nhận thông tin này và sẽ chỉ đạo cho ngành nông nghiệp các cấp phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra ngay. Nếu thực sự có thì sẽ kịp thời tuyên truyền vận động cho bà con nông dân hiểu đừng vì cái lợi trước mắt mà nuôi ốc bươu vàng sẽ mang lại tai hại khó lường cho nông dân”- ông Đồng nói.


Hồng Cẩm