Freeman là một trong số hơn 3.000 em bé Việt Nam phải rời quê hương sau khi Mỹ thất bại trên chiến trường Việt Nam năm 1975. Những em bé này được gửi đến nhiều nơi trên thế giới để làm con nuôi và Freeman cũng có số phận như vậy trên đất Mỹ.
Dù được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi, nhưng Freeman vẫn dành hầu như toàn bộ cuộc đời trai trẻ của mình để tìm về nguồn cội và tìm kiếm những thân nhân trong gia đình.
Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của Freeman với mẹ được phát trên Đài Truyền hình Fox. |
Rồi một ngày, thông qua trang web đặc biệt được lập ra để dành cho “những em bé năm xưa” Freeman đã đăng tải những thông tin cá nhân và tất cả những chi tiết anh nhớ được về mẹ và gia đình. “Cầu nguyện và cầu nguyện…” là tất cả những gì tôi biết làm những ngày sau đó” - Freeman kể.
Thật may mắn, những dòng hồi âm ngắn ngủi bắt đầu xuất hiện, như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin kỳ diệu cho Freeman. Nối tiếp những hồi âm là những thông số tiếp theo như vừa khít với trí nhớ của Freeman và anh có một linh cảm mạnh mẽ rằng, đó chính là gia đình mình. Sau khi gần như chắc chắn, Freeman bắt chuyến bay đầu tiên trở về Việt Nam sau 30 năm kể từ ngày ra đi.
Freeman kể: Tôi tìm đến địa chỉ ngôi nhà đúng như những thông tin tôi nhận được. Người phụ nữ có mái tóc bạc trắng và đôi mắt buồn trũng sâu mà tôi nhìn thấy đầu tiên, đó chính là mẹ tôi. Dù mẹ đã già đi cùng năm tháng, nhưng trong ký ức của tôi, những đường nét trên khuôn mặt mẹ vẫn in đậm và đôi mắt của mẹ, dù có trũng sâu vì phải khóc rất nhiều, thì đến nay tôi vẫn nhận ra. Và với linh cảm của một người mẹ, bà cũng đã nhận ra tôi là đứa con đứt ruột bà phải rời bỏ năm xưa.
Freeman ôm chầm lấy mẹ, cả hai dường như không thốt lên lời, nước mắt cứ thế rơi, nghẹn ngào… Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt vì sung sướng của họ đã được Đài Truyền hình Fox ghi lại và phát sóng trên toàn nước Mỹ ngày 1.10.
Sau 32 năm, Freeman cho biết, cảm giác của anh khi gặp lại mẹ mình rằng: “Tôi như trở về là đứa trẻ 7 tuổi, cả thân hình to lớn nhưng nằm gọn trong tấm lòng bao bọc của mẹ tôi”.
Hạ Anh