Kỹ thuật làm vợt xúc cá
Chính vì người Thái thường chọn nơi cư trú có nguồn nước, dòng sông, con suối để thuận lợi cho việc khai hoang đất làm ruộng, trồng lúa. Họ đã tự chế tạo ra vợt làm dụng cụ đánh bắt tôm, cá ở sông, suối để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Bản làng người Thái thường nằm gần dòng sông, con suối, ruộng lúa.
Vợt xúc cá có hình túi, mắt vợt nhỏ 0,3 – 0,4cm2, đáy vợt tròn nhỏ khoảng 7cm, miệng rộng 60 – 70cm, được cạp với thanh tre nhỏ uốn thành hình tam giác.
Vợt xúc cá khi đan xong có hình tam giác 3 cạnh
Trước đây, nguyên liệu đan vợt được làm từ vỏ cây pán, cây po mọc tự nhiên trong rừng. Vỏ cây có 2 lớp, cạo phần vỏ ngoài lấy phần trong phơi khô, xe thành những sợi nhỏ dẻo, chắc để đan vợt. Cũng bởi công đoạn nặng nhọc này mà trước đây làm vợt xúc cá chỉ do đàn ông đảm nhiệm. Bây giờ người dân không mất nhiều công làm sợi cây po, cây pán nữa mà chuyển sang đan vợt bằng dây dù, bởi sự tiện lợi là có sẵn ngoài thị trường mà vợt làm bằng dây dù ngâm nước được lâu và bền hơn.
Người Thái có câu “Con trai làm biết làm thợ, đan lát, con gái làm thổ cẩm, thêu thùa”. Những công việc nặng trong gia đình như làm thợ mộc, làm nhà cửa là công việc của người đàn ông. Còn phụ nữ thường gắn với những công việc nhẹ hơn, như: Nuôi gà, trồng rau, nấu nướng, thêu thùa… phục vụ gia đình. Và bây giờ phụ nữ và trẻ nhỏ cũng có thể đảm nhiệm công việc làm vợt. Vợt xúc cá dùng để xúc ở các khe suối, bờ ao, sản phẩm thu được thường là tôm, cua, cá…
Khi vợt xúc cá trở thành hàng hóa
Đến Chiềng Khoan (Quỳnh Nhai), hình ảnh đầu tiên bắt gặp là nhóm bà con ngồi tụm ba, tụm năm bên hiên nhà, dưới bóng cây với những đôi tay khéo léo, thoăn thoắt luồn những sợi dây dù đan vợt xúc cá.
Người Thái ở xã Chiềng Khoang khi đan vợt xúc cá thường tụ tập thành từ nhóm
Trò chuyện với tôi, bà Lò Thị Sen, bản Nà Pát (Chiềng Khoang) 50 tuổi, là người có thâm niên trong việc đan vợt xúc cá, niềm nở: Tôi biết đan vợt năm 30 tuổi, do mày mò học làm theo đàn ông trong bản. Lúc đầu, chỉ đan vợt dùng trong gia đình, sau thấy nhiều người đến mua nên đan nhiều để bán, đan khoảng 4 - 5 ngày xong 1 cái. Ở đây người già, trẻ nhỏ từ 11 tuổi trở lên đều biết đều biết đan. Tiếp thêm câu chuyện, chị Cà Thị Niên ngồi cạnh, vui vẻ: Tôi học đan vợt cách đây 3 năm. Thời gian nông nhàn, mọi người thường tụ tập thành nhóm ngồi đan vợt, vừa vui lại có thêm thu nhập.
Còn ông Cà Văn Hỏa, bản Ca với 6 thành viên cũng ngồi quây quần cặm cụi đan vợt. Niềm nở tiếp khách ông Hỏa tươi cười: Người dân ở bản này hầu như ai cũng biết đan vợt. Mỗi chiếc vợt bán được 50 nghìn đồng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi cả nhà cũng đan được 10 – 15 cái mỗi tháng, có thêm thu nhập phục vụ sinh hoạt gia đình.
“Vợt xúc cá” một nét văn hóa của người Thái
Trong phong tục của người Thái, “vợt xúc cá” còn được sử dụng trong các lễ cúng bái, lúc tiễn đưa người chết đi chôn cất, khi xong việc dùng vợt khua quanh mộ người chết để “Khék khuon”, “Xỏn khuon” dịch nghĩa là “Gọi hồn” hay “Xúc hồn” người tham gia đưa đám về nhà, không cho đi theo người chết. Việc dùng vợt xúc cá trong tục cúng bái đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào người Thái.
Vợt xúc cá khi đan xong được chăm chút rất cẩn thận
Trao đổi với ông Lò Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã, được biết: Khoảng 8 năm trở lại đây, bà con tích cực đan vợt xúc cá, sản phẩm người dân làm ra được người ở các nơi khác đến đặt mua. Vợt bà con đan rất chắc, bền nên làm ra đến đâu bán hết đến đấy, bày bán tại các phiên chợ huyện.
Ngày nay đan “vợt xúc cá”ở Chiềng Khoang không chỉ lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, mà con giúp người dân có thêm thu nhập.