Dân Việt

Cồng chiêng Mường đợi ngày thành di sản

03/10/2011 18:05 GMT+7
(Dân Việt) - Lễ hội Cồng chiêng Hòa Bình đã được tổ chức ngày 2.10 với rất nhiều hoạt động phong phú. Nhân dịp này, một hội thảo cũng đã được tổ chức để nhìn lại những giá trị của di sản văn hóa này.

Trong khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, thì văn hóa cồng chiêng Mường mới đang đi “xếp hàng” để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

img
Dàn cồng chiêng của người Mường đón khách.

Chưa tìm hiểu và khai thác hết

Cồng chiêng dân tộc Mường có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc này. Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng. Người dân Mường không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng họ đã sáng tạo ra nhiều bài chiêng tuyệt vời.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã thu âm, ký âm được 50 bản nhạc các bài chiêng Mường. Trong cuộc kiểm kê số lượng cồng chiêng và một số điệu sắc bùa của người Mường năm 2010 đã thống kê được 9.960 chiếc chiêng thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân tộc Hòa Bình.

Tuy nhiên, những con số đó được các nhà nghiên cứu đánh giá là "vẫn còn thiếu rất nhiều". Bên cạnh việc chưa khai thác hết những giá trị của văn hóa cồng chiêng, việc quảng bá nghệ thuật văn hóa cồng chiêng đang bị lạm dụng, đôi khi đi ngược với giá trị vốn có của nó.

TS Kiều Trung Sơn - Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết: “Chúng ta không nên lạm dụng khi đưa cồng chiêng tham gia các hoạt động xã hội. Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra giới thiệu, như vậy mới tránh được cái nhìn phản cảm, nguy cơ hiệu ứng ngược”.

Nhà giáo nhân dân Trương Văn Sơn đánh giá: "Việc đưa nghệ thuật cồng chiêng vào trong các lễ hội nên chăng cần quan tâm hơn tới giá trị tư tưởng, giá trị tâm linh hơn là khía cạnh góp vui. Bên cạnh đó, nhiều bài cồng bị lãng quên do lâu ngày không được sử dụng, các nghệ nhân qua đời chưa có điều kiện truyền dạy lại cho con cái."

“Xếp hàng” thành di sản

VN tự hào là đất nước sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nên việc nhiều giá trị văn hóa nói chung và cồng chiêng Mường nói riêng đang phải "xếp hàng" để được công nhận là di sản văn hóa là tình cảnh không tránh khỏi.

Trong cuộc hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát giá trị văn hóa cồng chiêng" diễn ra ngày 30.9 tại Hòa Bình, rất nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Hòa Bình cần sớm chính thức kiểm tra toàn bộ số lượng cồng chiêng, trên cơ sở đó sẽ có nhận diện đích thực nhất về giá trị văn hóa cồng chiêng để lập hồ sơ ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Cồng "Sắc bùa" là do phụ nữ đánh và tương truyền có 12 bài cồng đi với 12 bài hát ứng với 12 tháng trong năm. Đó là một trong những điểm thú vị về cồng chiêng của người Mường.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những tìm hiểu đầy đủ về các giá trị cơ bản của cồng chiêng Mường. Theo ông Kiều Trung Sơn, cồng chiêng Mường có 3 giá trị cơ bản đó là cộng đồng, nghệ thuật và biểu tượng.

Cùng với đó, việc quan tâm tới các nghệ nhân cồng chiêng Mường cũng là vấn đề hết sức cấp bách. Không nên trình diễn nghệ thuật cồng chiêng Mường trên sân khấu chuyên nghiệp nếu như chưa có những điều chỉnh hợp lý. Không biến nghệ thuật cồng chiêng phát triển theo hình thức bán chuyên nghiệp, thương mại hóa bởi nó sẽ không khuyến khích được tính cộng đồng của nghệ thuật cồng chiêng trong dân, vô hình trung sẽ tách dần cồng chiêng ra khỏi dân, ra khỏi môi trường truyền thống vốn có của nó.

Ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu ý kiến: "Chúng tôi đề xuất nhà nước xây dựng chiến lược tổng thể, những biện pháp cụ thể nhằm phát triển văn hóa cồng chiêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội".