Dân Việt

“Hai lúa” đưa gạo hữu cơ U Minh đi trời Tây, né "được mùa mất giá"

Chúc Ly - Ngọc Quyên 10/08/2017 06:16 GMT+7
Để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập chính đáng, những năm gần đây, ông Kim Dương Liễu - Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông dân sản xuất nông sản hữu cơ Rạch Giá đã thử nghiệm sản xuất và đưa gạo hữu cơ tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

img

20 tấn gạo hữu cơ Agribio - NTUM đầu tiên đã được xuất sang Châu Âu

Tham gia phiên chợ xanh

Và những nỗ lực đó của ông Liễu đã gặt hái thành công bước đầu khi gạo hữu cơ Agribio - Nàng Thơm U Minh (NTUM) không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước biết tới mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.

HTX Nông dân sản xuất nông sản hữu cơ Rạch Giá được thành lập giữa năm 2016 với 7 thành viên, chuyên cung ứng các chế phẩm sinh học Agribio, giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, liên kết và tiêu thụ lúa, rau màu sản xuất theo hướng hữu cơ.

Là một kỹ sư nông nghiệp, từng công tác trong ngành nông nghiệp của tỉnh và đã nghỉ hưu, ông Liễu đau đáu khi phải chứng kiến người dân nhiều nơi, nhất là vùng U Minh Thượng mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa nhưng năng suất thấp, chất lượng gạo chưa cao, giá cả bấp bênh.

Từ đó, ông Liễu đã mạnh dạn đưa giống lúa mới chất lượng cao về trồng thử nghiệm tại huyện An Biên. Quy trình sản xuất được áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng, giá bán cao hơn 30% so với lúa thường, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

img

Ông Kim Dương Liễu tại cửa hàng gạo hữu cơ 

Để tìm đầu ra cho gạo sạch, ông Liễu đem gạo hữu cơ Agribio - NTUM đi tham gia hầu hết các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Ông Liễu cho rằng: “Đi để học, để xem người ta sản xuất gạo hữu cơ ra sao và bán thế nào”.

Tháng 3.2017, ông Liễu được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA, trực thuộc UBND TP.Hồ Chí Minh) mời tham gia phiên chợ xanh - tử tế tại TP.Hồ Chí Minh. Ông Liễu đã đem hơn 100kg gạo hữu cơ Agribio - NTUM tham gia phiên chợ này.

Theo BSA, đúng với tên gọi, các sản phẩm bày bán tại phiên chợ xanh - tử tế không chỉ xanh, sạch, an toàn mà phải do những nhà sản xuất tử tế tạo ra. Các loại nông đặc sản còn chịu sự kiểm soát khắt khe của ban tổ chức và các nhà chuyên môn về chất lượng trước khi tham gia phiên chợ.

Ông Liễu cho hay: “Được BSA mời tham gia phiên chợ xanh - tử tế là một cơ hội tốt để HTX giới thiệu đến khách hàng gần xa về thương hiệu gạo hữu cơ Agribio - NTUM. Hiện khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh đã biết và đã điện thoại trực tiếp đến HTX đặt hàng số lượng ngày càng nhiều. Đó là cơ sở để chúng tôi đang chuẩn bị các bước triển khai mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bước đầu triển khai diện tích khoảng 2.000ha trên nền đất nuôi tôm của vùng U Minh Thượng”.

Đưa gạo U Minh đi Tây

Đến tháng 5 năm nay, ông Liễu phấn khởi khoe vừa mới hoàn tất thủ tục xuất 20 tấn gạo hữu cơ Agribio - NTUM sang Phần Lan. Đối tác nhập khẩu gạo của ông là chủ một cửa hàng kinh doanh gạo. Hợp đồng giữa ông và đối tác ghi rõ gạo xuất bán với giá gấp 1,7 lần so với gạo 5% tấm thông thường.

img

Theo ông Liễu, đây chỉ mới là bước đầu, nếu phía đối tác tiêu thụ tốt sẽ tiếp tục nhập khẩu và nâng giá mua. “Lúc mới trồng lúa hữu cơ, chỉ mong cung ứng gạo bán lẻ cho người dân trong nước, chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Vì mình còn hạn chế về kinh phí nên dù canh tác đảm bảo quy trình sản xuất lúa hữu cơ nhưng vẫn chưa có chứng nhận vì kinh phí cấp chứng nhận quá tốn kém HTX không kham nổi” - ông Liễu tâm sự.

Thế rồi, tháng 1.2017, ông Liễu bất ngờ khi nhận được email từ một chủ chuỗi cửa hàng kinh doanh gạo tại Phần Lan với đề nghị ông Liễu gửi mẫu gạo hữu cơ sang để họ kiểm tra các tiêu chuẩn cần thiết. Ông đã gửi 3 mẫu gạo hữu cơ, loại gạo được ông trồng trên nền đất nuôi tôm ở ấp Đông Quý, xã Đông Thái (huyện An Biên).

Ông Liễn kể: 3 tháng sau, phía đối tác đồng ý ký hợp đồng. Vậy là chỉ trong chưa đầy 1 tháng ngược xuôi lo thủ tục xuất lô gạo đầu tiên, 20 tấn gạo hữu cơ do HTX nông dân sản xuất nông sản hữu cơ Rạch Giá xuất khẩu sang châu Âu, một thị trường khó tính đối với hàng nông sản.

Theo ông Liễu, mỗi vụ lúa Nàng Thơm kéo dài 4 tháng và mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Số gạo xuất đi Phần Lan là của vụ mùa năm 2016, khi HTX liên kết với một số hộ nông dân ấp Đông Quý sản xuất. Do không bón phân hóa học, không xịt thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học Agibio để bổ sung dinh dưỡng cho lúa nên sản lượng lúa cuối vụ thu về chỉ đạt 48 tấn/ha. Tuy sản lượng không cao như cách canh tác truyền thống nhưng giá bán của các hộ dân trong HTX ở mức 6.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất theo truyền thống có giá bán chỉ từ 4.700-4.900 đồng/kg.

img

Ngoài gạo hữu cơ, HTX còn có các sản phẩm rau hữu cơ

Theo nhiều xã viên của HTX, sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ tại ấp Đông Quý khá thuận lợi, do đây là vùng đất lúa bị thiệt hại do nắng hạn nhiều năm nên đã liên tục 3 năm liền nơi đây chỉ nuôi được tôm. Mặt khác, các hộ dân tham gia mô hình tuân thủ tốt quy trình sản xuất lúa hữu cơ nên hiệu quả thu về bước đầu đúng như kỳ vọng.

Hiện nay, sản  phẩm gạo hữu cơ được bày bán tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm hữu cơ của HTX (số 580 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá).