Dân Việt

Bảy Nữa tiên phong làm món khô “mẫu hậu chân dài”

Huỳnh Xây 09/08/2017 13:30 GMT+7
Anh Nguyễn Văn Nữa (Bảy Nữa) là nông dân duy nhất ở miền Tây thu lãi tiền tỷ mỗi năm từ việc nuôi ếch sạch và sản xuất các sản phẩm “ngon hết sẩy” từ ếch. Nhiều người nói, anh Bảy Nữa là nông dân đầu tiên ở Đồng Tháp làm khô ếch. Nếu khô nhái ở miền Tây gọi là "vũ nữ chân dài" thì khô ếch của Bảy Nữa gọi là khô "mẫu hậu chân dài".

Khởi nghiệp từ con ếch

Anh Nguyễn Văn Nữa (tên thường gọi Bảy Nữa) ngụ ở ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Anh Nữa kể, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ, anh trở về quê và làm việc như nhiều chàng trai miền Tây khác-đó là rong ruổi khắp các cánh đồng, hết vác lúa thuê đến lái máy gặt đập liên hợp.

Cũng từ những ngày vất vả làm thuê, anh Nữa thấm thía nỗi cơ cực của người làm ruộng, cuộc sống không có dư dật. Trong tâm trí của anh ấp ủ những kế hoạch làm ăn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Kế hoạch đó bắt đầu được thực hiện khi anh cưới vợ.

img

 Anh Nữa bên sản phẩm của mình. ảnh: Huỳnh Xây

Nhận thấy con ếch là loại dễ nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và quê hương Đồng Tháp nói riêng, vốn đầu tư ban đầu cũng tương đối thấp nên từ năm 2008, anh Nữa quyết định tìm đến huyện Cái Bè (Tiền Giang) để mua 7 cặp ếch giống sinh sản và 1.000 con ếch thịt về nuôi thử.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu nhưng anh Nữa vẫn kiên nhẫn, cần cù, vừa làm theo hướng dẫn từ các tài liệu, sách báo vừa rút kinh nghiệm thực tiễn. Không phụ những cố gắng của anh, đàn ếch dần phát triển ổn định.

“Tôi đầu tư xây bể xi măng, sử dụng con giống sạch, thả nuôi với mật độ vừa phải, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp… Chỉ sau thời gian ngắn thả nuôi, tôi đã thu lãi vài triệu đồng mỗi tháng từ ếch thịt và ếch giống” – anh Nữa nói.

Không đợi thương lái tìm đến nhà, để giải quyết đầu ra, anh chủ động đi giới thiệu cho thị trường (bạn bè, quán ăn, quán nhậu) các tỉnh ĐBSCL và Đà Nẵng, Hà Nội. Tuy nhiên, vài năm gần đây, có khá nhiều người thực hiện mô hình này, giá ếch thịt thường xuyên lên xuống bấp bênh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên anh Nữa quyết định đầu tư 400 triệu đồng mua máy móc để sấy khô thịt ếch, làm chà bông ếch và đóng gói.

Anh Nữa chia sẻ: “Ếch thịt và con giống có quá nhiều nơi làm, cạnh tranh sẽ rất khó khăn. Lúc này tôi thấy ếch làm khô và chà bông cũng dễ, nguồn nguyên liệu lại có sẵn nên tôi quyết định sản xuất cung cấp ra thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với khô và chà bông thịt heo, thịt gà”.

Món ăn đầu tiên anh Nữa nghĩ đến là khô ếch. Lúc đó thị trường đã có món khô nhái được mệnh danh là “vũ nữ chân dài”, còn khô ếch chưa xuất hiện nên anh Nữa gọi sản phẩm này của mình là “mẫu hậu chân dài”.

Nhưng việc làm ăn đâu dễ dàng như anh và nhiều người nghĩ. Những mẻ khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại vì nếu phơi quá khô thì mất hết vị ngọt của ếch, còn phơi không khô thì không cách nào bảo quản được. Khó khăn chồng chất khó khăn vì mỗi lần ướp khô lại cho ra một mùi vị khác nhau. Thất bại, thất bại rồi thất bại đã khiến hơn trăm triệu đồng của Nữa “đội nón ra đi”.

Tiếp tục mở rộng quy mô

Với những nỗ lực vượt khó làm giàu, anh Nữa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017. Trước đó, anh Nữa đã nhận được nhiều giấy khen từ UBND huyện Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp. Năm 2016, sản phẩm ếch sạch sấy khô và chà bông ếch của anh được chứng nhận là Top 100 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng của Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức bình chọn.

Với sự kiên trì, chịu khó, cuối cùng anh Nữa cũng hoàn thiện quy trình chế biến các món ăn từ ếch và hoàn thiện kỹ thuật bảo quản khô ếch thành phẩm.

Theo phóng viên tìm hiểu, từ 8 - 10kg thịt ếch tươi nguyên con sẽ cho ra 1kg khô. Còn làm chà bông thì chỉ sử dụng phần thịt đùi ếch, trung bình 4kg thịt đùi ếch sản xuất ra 1kg chà bông. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình anh Nữa cung ứng ra thị trường 100kg khô ếch và 200kg chà bông ếch. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình còn cung ứng từ 1 - 2 tấn trứng ếch giống và hơn 1 triệu con giống.

Theo anh Nữa, sản phẩm tập trung phát triển nhất của anh là chà bông sạch (nguyên liệu chính là ếch tươi, quy trình nuôi sạch, không chất kháng sinh), hiện anh đã chính thức đưa ra thị trường với thương hiệu “Chà bông ếch Bảy Nữa” (sản phẩm đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ). Sản phẩm mới này cũng được xem là đặc sản của tỉnh Đồng Tháp.

Anh Nữa cho biết: “Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi thường đăng ký tham gia các hội chợ nông nghiệp ở các tỉnh, thành trong vùng và TP.HCM. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, mở rộng trang trại nuôi ếch sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm làm từ ếch”.

Hiện nay, anh Nữa đang có kế hoạch bao tiêu sản phẩm ếch (nuôi theo quy trình sạch do anh hướng dẫn) cho người dân ở địa phương và thuê khoảng 20 lao động để phụ giúp. Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, khô ếch, chà bông ếch của anh Nữa là sản phẩm đặc trưng của địa phương, rất có tiềm năng phát triển bởi nó phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Được biết, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch, anh Nữa tận dụng làm thức ăn để nuôi hơn 2.000 con ba ba, lươn, với tổng diện tích của trang trại là 3.500m2. Lợi nhuận mỗi năm của anh Nữa đối với tất cả các sản phẩm là hơn 2,2 tỷ đồng.