TH true MILK hiện đang sở hữu đàn bò sữa nuôi tập trung lớn nhất Việt Nam, tự chủ được hoàn toàn nguồn sữa tươi nguyên liệu để chế biến gần 60 sản phẩm sữa tươi và chế phẩm từ sữa
Những nghịch lý này sẽ được hóa giải khi các tiêu chuẩn/quy chuẩn làm rõ được các khái niệm sữa, thúc đẩy chăn nuôi trong nước.
VN nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, năm 2015 tổng đàn bò sữa là 275.328 con, sản lượng sữa tươi đạt 723.153 tấn, năm 2016, đàn bò tăng lên 282.990 con, sản lượng sữa tươi đạt 795.144 tấn.
Năng suất sữa cũng được cải thiện, tăng từ mức 3,5 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 5,3 tấn/chu kỳ năm 2014 và đạt mức gần 6 tấn/chu kỳ năm 2016
Song theo đánh giá của PGS.TS Hoàng Kim Giao- Hiệp hội Gia súc lớn (Hội Chăn nuôi Việt Nam) thì năng suất sữa bò tại các hộ gia đình vẫn còn thấp do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi hiện cả nước có đến trên 17.828 hộ chăn nuôi bò sữa, chiếm tới 70% tổng đàn bò của cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ dưới 10 con/hộ.
Với nguồn nguyên liệu sữa tươi cung ứng cho các nhà sản xuất còn hạn chế, khi chỉ mới đáp ứng khoảng 38% nhu cầu nên hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 60% sữa bột từ nhiều quốc gia để làm sữa hoàn nguyên. Vì vậy, theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, khi mỗi năm nhập khoảng 1,2 triệu tấn các loại.
Ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi nhận định, mặc dù ngành chăn nuôi bò sữa đã có bước phát triển mạnh mẽ khi có nhiều DN tham gia, ứng dụng công nghệ cao vào quản lý bò sữa, quản lý giống. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành vẫn còn chậm so với yêu cầu, khi sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước còn thấp. Chăn nuôi vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, lẻ, chất lượng giống và quy trình kỹ thuật chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sữa tươi.
Một góc cửa hàng TH true mart bán các sản phẩm sữa tươi TH true MILK
Một lý do đặc biệt khác khiến sữa tươi bị “lép vế” chính là tên gọi gây nhầm lẫn là “sữa tiệt trùng” vốn có nguyên liệu là sữa bột thường được hiểu là sữa tươi. Cụ thể, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5:1-2010/BYT) ban hành năm 2010 có khái niệm “sữa tiệt trùng”. Bản chất của sản phẩm ghi nhãn tên gọi này chính là sữa bột pha lại, hoặc sữa bột pha với một phần sữa tươi nhưng nhiều người tiêu dùng hiểu là sữa tươi. Vì thế, người tiêu dùng khi chọn mua đều nghĩ mình đang mua sữa tươi.
Hóa giải nghịch lý trên thị trường sữa
Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý: trong khi chủ trương của Nhà nước đang khuyến khích nâng cao nguồn nguyên liệu và chất lượng sữa tươi, đầu tư mạnh mẽ phát triển đàn bò sữa, thì doanh nghiệp nhập sữa bột, người nông dân đổ sữa tươi vẫn diễn ra. Trong đó, đáng chú ý là người nông dân ở 3 vùng nuôi bò sữa lớn là Hà Nội, Lâm Đồng và Củ Chi, đã phải “ngậm ngùi” đổ bỏ sữa tươi, cho dù đã liên kết tiêu thụ với một số DN sản xuất lớn … Đặc biệt, trong khi các DN sử dụng lượng lớn sữa bột nhập khẩu, thì ngay cả khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm, giá sữa trong nước vẫn “án binh bất động”.
Theo nhiều chuyên gia, mỗi năm doanh nghiệp sữa Việt Nam p
hải bỏ ra nguồn ngoại tệ lớn dành cho nhập khẩu, trong khi bản thân người nông dân phải đổ bỏ sữa tươi, còn người tiêu dùng phải chịu giá cả đắt đỏ, chất lượng mù mờ… đang khiến cho ngành sữa Việt Nam đi ngược lại xu hướng phát triển thế giới. Việc thiếu sự chú trọng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu thay vì chỉ tập trung phát triển sản xuất sản phẩm sữa trong thời gian trước đây đang để lại nhiều hệ quả, kìm hãm sự phát triển của chính DN, không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mạnh mẽ vùng nguyên liệu và đàn bò sữa chất lượng cao. Trong đó phải kể đến là các dự án đầu tư của tập đoàn TH, với sản phẩm sữa True MILK có tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD, bao gồm chăn nuôi và chế biến sữa tươi sạch tập trung quy mô lớn với đàn bò hơn 45.000 con; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hợp tác cùng hãng sữa Nutifood triển khai dự án nuôi bò và nhà máy chế biến sữa có vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Ngành sữa Việt Nam đang bắt đầu có bước chuyển mình theo đúng quy luật phát triển, song những quy định về tiêu chuẩn sữa dạng lỏng hiện đang bộc lộ nhiều bất cập khi không đạt ra yêu cầu phân biệt rõ ràng hơn về thành phần và nguồn gốc nguyên liệu. Điều này khiến cho những đơn vị sử dụng sữa bột nguyên liệu để hoàn nguyên lại thành sữa nước sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Và người tiêu dùng cũng không biết được trong một ly sữa được sử dụng, có bao nhiêu % là sữa bột, bao nhiêu % sữa tươi.
Để giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế mới đây đã sửa đổi QCVN 5:1-2010/BYT theo hướng sửa tên gọi sữa tiệt trùng thành sữa hoàn nguyên và sữa pha lại. Hi vọng đây là “cú hích” cho ngành chăn nuôi trong nước khi trên nhãn mác, bao bì nhà sản xuất phải ghi rõ các thành phần cấu thành sản phẩm; ghi rõ nguồn gốc nguyên liệu. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy nông dân và các trang trại chăn nuôi bò sữa đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao năng suất, chất lượng.
Và như vậy, trong tương lai nghịch lý ngành sữa sẽ được “hóa giải”, VN sẽ hòa theo xu hướng chung của thế giới là nuôi bò, sử dụng sữa tươi nguyên liệu để chế biến sữa dạng lỏng, thay vì vô tư “hòa sữa bột” ra bán như hiện nay.
Box: Khảo sát một số hộ nông dân tại TPHCM đầu năm 2016 cho thấy, chi phí sản xuất sữa ở mức 16.000 đồng – 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có thời điểm các doanh nghiệp thu mua sữa của nông dân chỉ ở mức 13.000 – 13.500 đồng/kg, trong khi bán ra thị trường là 28.000 – 35.000 đồng/kg. Giá thành 1kg sữa tươi sản xuất tại Việt Nam hơn 10.000 đồng/kg (chưa gồm chi phí vận chuyển và các chi phí khác). Trong đó, 70% thức ăn tinh và rau xanh; 15% lao động; khấu hao bò và chuống là 12%. Trên thế giới giá thành sản xuất một lít sữa tươi của nông dân Anh đầu năm 2016 cũng ở mức 0,4 USD/kg; ở Úc, Mỹ và Brazil vào khoảng 0,22 – 0,3 USD/kg (dưới 10.000 đồng/kg) |