Dân Việt

Miền Tây lập bản đồ ứng phó với… thiên tai

Huỳnh Xây 11/08/2017 10:30 GMT+7
Trước những diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian gần đây, Cục Trồng trọt cùng các đơn vị có liên quan đã tiến hành xây dựng bản đồ nguy cơ hạn mặn và ngập lụt để giúp các địa phương ĐBSCL có cơ sở để triển khai các giải pháp ứng phó tốt hơn trong thời gian tới.

Mưa dầm, nắng ít làm lúa giảm năng suất

Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, thời gian gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. Riêng về cây lúa, các nhà khoa học dự báo, năng suất sẽ suy giảm rõ rệt trong tương lai, đặc biệt là các năm xảy ra hiện tượng ENSO (xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng là El Nino và La Nina).

img

     Vùng phù sa ngọt thường xuyên bị mưa lớn bất thường. (Trong ảnh, mưa dầm kéo dài làm người dân phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ thất thu mùa bí đao).  Ảnh: HUỲNH XÂY

6 vùng với các diễn biến BĐKH khác nhau trong bản đồ nguy cơ hạn mặn và ngập lụt vùng ĐBSCL gồm: Vùng Đồng Tháp Mười (nhiệt độ tăng, lũ lụt, sạt lở); vùng Tứ giác Long Xuyên (xâm nhập mặn, lũ, nhiệt độ tăng); vùng Tây Sông Hậu (khô hạn cục bộ, nắng nóng, mưa lớn bất thường); vùng bán đảo Cà Mau (khô hạn, mưa lớn bất thường, bão ven biển); vùng phù sa ngọt (khô hạn cục bộ, mưa lớn, triều cường) và vùng ven biển Nam Bộ (xâm nhập mặn,
khô hạn).

GS Lê Quang Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Sản xuất lúa gạo ngày càng chịu tác động của BĐKH, ngoài sự gia tăng về ngập lụt, xâm nhập mặn, cây lúa còn chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi khí hậu theo mùa (nhiệt độ mùa hè đang cao hơn bình thường, mưa phân phối không đồng đều giữa các vùng), đặc biệt là mưa dầm kéo dài, số giờ nắng ít như hiện nay”.

Vì vậy, GS Trí đề xuất, các địa phương trong vùng, tăng cường các giải pháp tiêu thoát nước, phát triển các giống lúa mới sao cho có khả năng chịu mưa dầm, ngập lâu. Tới đây, trong điều kiện cho phép, có thể thay thế 1 vụ lúa bằng cây trồng khác.

“Đối với lúa vụ 3 - vụ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa dầm cần một tầm nhìn mới, tức là chỉ sản xuất giới hạn ở một số khu vực có điều kiện cho phép như giảm sạt lở, có khả năng trữ nước…” - GS Trí đề xuất.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lương Quang Xô - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, các địa phương nên bố trí lại lịch thời vụ xuống giống vụ lúa hè thu, đông xuân để giảm chi phí, tránh rủi ro.

Theo Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, ngoài những diễn biến thất thường của thời tiết đang diễn ra, các địa phương còn lo lắng về tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân tới (cuối năm 2017). Nguyên nhân là vì thời tiết thay đổi thất thường, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về không ổn định, khó đoán trong khi đó, đây là vụ lúa chính trong năm và là vụ lúa duy nhất được kỳ vọng sẽ thu lời cho người dân.

Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai

TS Bùi Tân Yên – đại diện Chương trình BĐKH, Nông nghiệp và An ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS) cho rằng, ĐBSCL là vùng chịu tác động tiêu cực của BĐKH, đặc biệt là hạn, mặn và lũ lụt.Thời gian qua, đã có nhiều kết quả nghiên cứu về nguy cơ thiên tai, cảnh báo xảy ra cho vùng.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trên chưa được khai thác thích hợp và thiếu hướng dẫn ứng phó cụ thể. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và cơ sở hạ tầng của các địa phương trong vùng cũng khác nhau nên cần áp dụng các biện pháp thích ứng khác nhau.

Còn theo Cục Trồng trọt, để ĐBSCL có kế hoạch thích ứng với BĐKH tốt hơn, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ nguy cơ hạn mặn và ngập lụt cho vùng này. Theo bản đồ trên, ĐBSCL sẽ có 6 vùng với các diễn biến BĐKH khác nhau.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Với bản đồ nguy cơ hạn mặn và ngập lụt cho vùng, đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL nên chú trọng xem xét, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cụ thể của từng địa phương trong việc chủ động kiểm soát tốt lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn và tình hình dịch hại”.

Theo ông Sơn, trong các giải pháp ứng phó với BĐKH thời gian tới, các địa phương nên lưu ý bố trí lịch thời vụ phù hợp nhằm giúp dân sản xuất lúa né tránh những bất lợi của thời tiết, xây dựng kế hoạch chuyển dịch về cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, các địa phương có thể chủ động đề xuất các mô hình canh tác nông nghiệp hay để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.