Dân Việt

Cá da trơn Việt Nam nguy cơ bị chặn lối hoàn toàn vào Mỹ

Thuận Hải 10/08/2017 06:20 GMT+7
Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cảnh báo, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra, sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường Mỹ từ tháng 3.2018.

Hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới

Ông Hòa cho biết, theo thông báo gần nhất của Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, thì chương trình giám sát cá da trơn đã được áp dụng chính thức từ ngày 2.8 vừa qua thay vì chờ đến ngày 1.9 như thông báo trước đó.

img

Khách hàng tham quan sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu. Ảnh: Thuận Hải

Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm nay đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tuy nhiên mặt hàng cá da trơn vào thị trường Mỹ đang gặp khó khăn lớn, cụ thể 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu vậy, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường dẫn đầu của xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Nguyên nhân khiến FSIS đẩy nhanh thời gian áp dụng chương trình này sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu là do trong các tháng đầu năm FDIS tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên và đã phát hiện 250 tấn cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ không đáp ứng được yêu cầu về ATTP.

Theo một số nguồn tin, nếu Việt Nam chưa hoàn tất việc thực thi quy định “Tương đồng về tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn” của Mỹ, phía Mỹ sẽ gia hạn thêm thời gian 6 tháng chuẩn bị, tức đến tháng 3.2018.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hòa, cá tra, cá basa của Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường Mỹ từ tháng 3.2018. Nguyên nhân  do Việt Nam khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra.

“Nước Mỹ đã quay lưng với thương mại tự do, thẳng thừng bác bỏ Hiệp định TPP và nêu quan điểm rõ rệt về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này gặp nhiều khó khăn” - ông Hòa nói.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có 14 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood. Các doanh nghiệp khác chỉ thực hiện hợp đồng cầm chừng hoặc bỏ hẳn thị trường này do thuế chống bán phá giá cao.

VASEP dự báo, trong thời gian đầu áp dụng chương trình giám sát cá da trơn cho đến hết năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ giảm do sự chuyển giao giữa FDA sang FSIS sớm trong khi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau.

img

Thu hoạch cá tra tại Cần Thơ. Ảnh minh họa

Chật vật tìm thị trường thay thế

Cùng với Mỹ, cá tra Việt Nam tại thị trường châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn, phần vì các yêu cầu về chất lượng, phần bị truyền thông bôi xấu hình ảnh… Do đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang phải nỗ lực tìm kiếm thị trường mới.

Tại Mỹ, từ ngày 1.8 vừa qua, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam bước sang đợt rà soát hành chính lần thứ 15 của vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu (POR), dự kiến khoảng tháng 9.2017, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có kết quả sơ bộ của kỳ POR13, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang trông mong vào mức thuế cải thiện và khả quan hơn để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.

Khó khăn ở các thị trường chính, một số doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thị trường mới để bù vào, trong đó có Nhật. Ông Yasuo Nishitohge - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết hiện nay mỗi năm có hơn 1.500 tấn cá tra nướng của Việt Nam đạt chuẩn vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật, mang về cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hơn 9 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hàng Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), việc xuất khẩu cá tra vào Nhật Bản cũng không hề “dễ ăn” do các đối tác từ thị trường này yêu cầu chất lượng rất cao. Theo đó, phía Nhật kiểm soát cả quá trình nuôi cá, từ khâu chọn con giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều phải theo công thức của phía Nhật. Khi hợp đồng xuất khẩu sang Nhật chưa lớn, việc phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt của đối tác khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.