Dân Việt

Hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp

Lê Sơn 20/08/2017 07:01 GMT+7
Bộ NNPTNT đang đề xuất chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp, sẽ hỗ trợ trực tiếp một phần giá trị máy, thiết bị cho người mua máy. Mức hỗ trợ đến 30% giá trị máy, thiết bị nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.

img

Nông dân có thể được hỗ trợ đến 30% giá trị máy nông nghiệp. Ảnh: T.L

Các loại máy, thiết bị gồm: Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch trong nông nghiệp; máy sấy nông sản, lâm sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; phà (chẹt) chở máy nông nghiệp; Hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Máy, thiết bị sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; máy, thiết bị thông tin liên lạc; ngư lưới cụ; bảo quản trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ;  máy, thiết bị sơ chế từ phế phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản, chăn nuôi...

Điều kiện được hưởng hỗ trợ: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; sơ chế nông sản, lâm sản, thủy sản, chăn nuôi; dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân. Các loại máy, thiết bị phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ NNPTNT cũng đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 3%/năm đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại các ngân hàng thương mại trước ngày 31.12.2020 để thực hiện các dự án đầu tư. Mức vay tối đa được hỗ trợ lãi suất bằng 70% giá trị của dự án. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng tối đa không quá 12 năm.

Các dự án đầu tư gồm:  Kho silô dự trữ nông sản; kho chứa và bảo quản muối; dây chuyền máy, thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo; kho lạnh thủy sản, rau quả;  hệ thống nhà kính, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; máy, thiết bị sơ chế, chế biến rau, hoa, quả; dây chuyền máy, thiết bị bảo quản, giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy…);  dây chuyền máy, thiết bị sơ chế, chế biến: Cà phê, chè, nhân điều, hồ tiêu...