Hôm nay, ngày 10.8, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức khai trương tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Sở GDCK Hà Nội).
Sau khi thị trường cổ phiếu ra đời vào năm 2000 và thị trường trái phiếu chuyên biệt vào năm 2009 thì từ hôm nay, ngày 10.8, thị trường chứng khoán có thêm thị trường chứng khoán phái sinh, là trụ cột quan trọng thứ ba trong cấu trúc của một thị trường chứng khoán hiện đại.
Thêm trụ cột cho thị trường chứng khoán
Tham dự lễ khai trương, ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết từ khi thành lập đến nay quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó, thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh (Ảnh: Quang Phúc)
“Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng được cơ hội do TTCK mang lại để huy động vốn, không ngừng phát triển và trở thành các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. TTCK cũng đã tham gia thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho nguồn nội lực để phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới.
“Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động (Ảnh: Quang Phúc)
Nói về TTCK ngày hôm qua giảm điểm mạnh vì tin đồn liên quan đến cựu chủ tịch HĐQT BIDV, Trần Bắc Hà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết theo tin của chúng tôi, thị trường ngày hôm qua đã mất 2 tỷ USD .
Nhận định về sự ra đời của TTCK phái sinh, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), hy vọng sự ra đời của TTCK phái sinh vừa mang lại cơ hội đầu tư và cũng mang lại công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở có diễn biến không thuận lợi.
Cơ hội nhiều hơn rủi ro
Ông Linh chia sẻ, phiên giao dịch ngày hôm qua (ngày 9.8) thị trường đã có phiên giao dịch chao đảo, lực bán ra tăng mạnh sau khi có tin tức tiêu cực lan truyền trên thị trường. Với tin đồn xuất phát từ ngành ngân hàng, cụ thể là tin đồn quanh cựu chủ tịch HĐQT BIDV, Trần Bắc Hà, tất cả các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc. Cổ phiếu BID giảm sàn và không còn lệnh mua, CTG, MBB và STB giảm trên 3%. Các cổ phiếu còn lại đều giảm trên 1%, ngoại trừ EIB -0,8%.
“Sự thận trọng xen lẫn hoài nghi của toàn thị trường trong sự kiện lần này rất khác so với trường hợp xảy ra ở Sacombank cách đây không lâu. Xét về quy mô và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế, BIDV rõ ràng lớn hơn Sacombank rất nhiều.
Khi tập trung vào điểm này, thị trường đã không còn tính đến yếu tố “quá khứ” của những sự kiện đã xảy ra và cũng quên đi hàng loạt những câu chuyện vốn đã hâm nóng cho ngành ngân hàng suốt từ đầu năm”, ông Linh phân tích.
Bên cạnh yếu tố quy mô và tầm ảnh hưởng, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đó là mức điểm của VNIndex. Chỉ mới đầu tuần, VNIndex đã tạo đỉnh cao mới trên 790 điểm và đương nhiên ở mức điểm này áp lực chốt lời cũng rất cao.
Tăng trưởng GDP dịch vụ 6 tháng đầu năm (Nguồn: TTCK)
“Khi các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, tâm lý thị trường sẽ vẫn còn nhiều hoài nghi. Trong lúc số đông còn hoài nghi, nhà đầu tư khôn ngoan nên nhìn vào những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến xu hướng. Đó là nền tảng cơ bản”, ông Linh bình luận.
Theo ông Linh, ở đây có 2 khía cạnh cần lưu ý. Thứ nhất, đó là tăng trưởng thật của kinh tế Việt Nam năm 2017. Dù số liệu tăng trưởng GDP tổng thể có thể gây thất vọng vì quá xa so với mục tiêu, thực tế nếu loại trừ ngành khai khoáng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017 là 7%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (các năm 2014, 2015, 2016 lần lượt là 5,9%, 6,4%, 6,2%).
Nhiều ngành tăng trưởng cao có đại diện trên sàn chứng khoán như sản xuất kim loại, hóa chất, logistic và đặc biệt là ngành ngân hàng. Tăng trưởng của nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm là 7,7%, cũng là mức cao nhất nhiều năm.
Lưu ý thứ 2 đó là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Đã có 612 doanh nghiệp báo lãi trên tổng số 678 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 6T2017. Tổng lợi nhuận của các công ty công bố kết quả kinh doanh là 72.8 nghìn tỷ, tăng 23.6% so với cùng kỳ 2016. Trong nhóm VN30 đã có tới 29 doanh nghiệp báo lãi và tổng lợi nhuận của nhóm tăng 23.4%, mức cao nhất 3 năm.
Bên cạnh yếu tố cơ bản trên, một yếu tố quan trọng khác vốn có ảnh hưởng tích cực tới xu hướng của TTCK kể từ năm 2016 đó là lãi suất vẫn đang ở trạng thái tốt. Nhờ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và lạm phát thấp, lãi suất đang ở mức thấp nhất nhiều năm.
Vốn hoá thị trường chứng khoán/tiền gửi ngân hàng (Nguồn: SSI, Bloomberg)
Như vậy có thể thấy các yếu tố từ vĩ mô đến nội tại của các doanh nghiệp niêm yết đều vẫn đang hỗ trợ tích cực cho TTCK. Khi những biến động ngắn hạn bởi yếu tố tâm lý qua đi, phần đông nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn và bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những tín hiệu tích cực này.
“Nếu so với những biến cố vào năm 2012, 2014 hay 2015, sự kiện lần này xảy ra khi sức khỏe nội tại của nền kinh tế và doanh nghiệp đã vững hơn nhiều. Nếu như những đợt điều chỉnh sâu trong các năm đó đều đi liền theo là những đợt hồi phục mạnh thì rất có thể điều này sẽ lặp lại trong tháng 8 năm nay”, ông Linh phân tích thêm.
Do vậy, theo ông Linh, sự ra đời TTCK phái sinh thì đợt điều chỉnh này dù diễn ra như thế nào, các nhà đầu tư đã có một công cụ bảo vệ hoàn toàn mới nhằm hạn chế thua lỗ mà nhờ đó tâm lý thị trường sẽ ổn định hơn.
“Vì những lẽ này, khai trương TTCK phái sinh ngày hôm nay là một sự tình cờ đầy ý nghĩa để cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của TTCK phái sinh tại Việt nam. Sự ra đời này cũng đánh dấu cho bước phát triển mới của TTCK Việt nam nói chung, có tác động tốt đến cách nhìn nhận của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức xếp hạng. Nếu nhìn ở những khía cạnh đó, đợt điều chỉnh lần này rõ ràng mang đến cơ hội hơn là rủi ro cho thị trường”, ông Linh bình luận.