Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã cổ phiếu là VPB) vừa có thông báo về việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Theo đó, hơn 1.332 tỷ cổ phiếu VPB sẽ chính thức lên sàn vào ngày 17.8. Giá của ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu. Theo quy định, biên độ giao dịch trong phiên đầu tiên của cổ phiếu VPB sẽ ở mức +-20%. Với mức giá tham chiếu này, VPBank chính thức lên sàn với giá trị vốn hóa gần 52 nghìn tỷ đồng.
Trước đó chiều ngày 8.8, HOSE đã có quyết định chấp thuận về việc niêm yết đối với cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank.
Quá cao so với mặt bằng cổ phiếu ngân hàng?
Với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, VPB sẽ là cổ phiếu ngân hàng có mức cao nhất trên sàn hiện nay. Vietcombank, một ngân hàng được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay nhưng giá cổ phiếu VCB hiện chỉ dao động quanh mức giá từ 37.000 – 39.000 đồng/cổ phiếu trong suốt thời gian dài.
Cổ phiếu CTG, BID cũng chỉ quanh mức giá từ 18.000 – 21.000 đồng/cổ phiếu trong mấy tháng qua. MBB cũng là một ngân hàng được đánh giá tốt nhưng giá cũng chỉ quanh mức hơn 22.000 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua và có thể sẽ bị điều chỉnh, nhất là những rủi ro ngành trong giai đoạn tái cơ cấu. Đặc biệt, thời gian qua và trong thời gian sắp tới, nhiều tin đồn quanh lãnh đạo ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới cổ phiếu của ngành.
Ví như ngày 9.8 vừa qua, thị trường chứng khoán đã có một phiên lao dốc mạnh, đặc biệt cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh trước tin đồn liên quan đến cực chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vì tin đồn thất thiệt đó mà thị trường chứng khoán đã mất 2 tỷ USD trong ngày hôm đó.
Hiện cổ phiếu VPB đang được giao dịch trên thị trường OCT quanh mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Vậy tại sao VPBank lại định mức giá cao như vậy?
Tiềm năng của VPBank
Trong vài năm trở lại đây, VPBank đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lựa chọn đúng hướng kinh doanh là tập trung vào bán lẻ cùng với mảng tài chính tiêu dùng là trọng tâm phát triển.
Ngày mới thành lập VPBank có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng và sau 23 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của ngân hàng này là 14.059 tỷ đồng.
Tuy quy mô hoạt động của VPBank so với các NHTM cổ phần còn khiêm tốn nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của VPBank là rất ấn tượng. Kết quả Lợi nhuận sau thuế của VPBank năm 2016 đạt 3.935 tỷ đồng, chỉ đứng sau các NHTM cổ phần lớn như BIDV, Vietinbank và Vietcombank, đây là những ngân hàng có quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu cao hơn VPBank rất nhiều. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank trong năm 2016 đạt 25,7%, cao nhất trong số các ngân hàng so sánh.
Có được kết quả này là nhờ Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank với thương hiệu FE Credit. Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 7.2014 nhưng FE Credit hiện đang chiếm 55% thị phần cho vay tài chính tiêu dùng.
Hoạt động kinh doanh chính của FE Credit là cho vay tiêu dùng cá nhân. Khác với các công ty đối thủ, FE Credit chú trọng đẩy mạnh sản phẩm cho vay tiền mặt (PLXsell và PL-NTB) để phục vụ các nhu cầu của cá nhân ngoài các sản phẩm cho vay mua hàng điện máy và xe gắn máy.
Với chiến lược chiếm lĩnh thị trường khác biệt và tiềm năng rất lớn của thị trường tín dụng tiêu dùng chưa khai phá, FE Credit đã có sự bứt phá ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như thị phần trong thời gian qua.
Nhờ vậy, năm 2015, FE Credit đã tăng trưởng vượt bậc, với tổng dư nợ cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2 trên thị trường dù chỉ mới gia nhập vào thị trường năm 2010, sau đối thủ 3 năm. Đà tăng trưởng đã vượt bậc theo năm sau.
Tính đến 30.6.2017, FE Credit đã cho vay được hơn 36.000 tỷ đồng, chỉ bằng chưa đến 1/3 dư nợ của ngân hàng mẹ nhưng thu nhập lãi thuần đạt hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn 30% so với lãi thuần mà ngân hàng mẹ thu được. Điều đó cho thấy, FE Credit đang là động lực chính cho tăng trưởng của VPBank trong những năm trở lại đây.
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2017 VPBank đã có sự bứt phá ngoạn mục. Tại thời điểm cuối quý II, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank là 28,4%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và Vietinbank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác.
Theo bản cáo bạch, VPBank hiện không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn. Cổ đông tổ chức trong nước nắm tổng cộng 23,48% vốn còn cổ đông cá nhân giữ 48,87%. Cổ đông ngoại của ngân hàng không có nhà đầu tư cá nhân mà có 78 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 22,34% vốn ngân hàng - đây là một thông tin đáng chú ý và lần đầu tiên được công bố. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư ngoại không được nắm quá 30% vốn ở ngân hàng nội, do đó sau khi niêm yết, nếu các cổ đông ngoại hiện hữu không muốn bán cổ phần thì room dành cho nhà đầu tư nước ngoài mới cũng không còn nhiều. Trong số các cổ đông nội bộ, VPBank có không nhiều lãnh đạo nắm giữ cổ phần của ngân hàng. Đáng kể chỉ có ông Chủ tịch Ngô Chí Dũng và người nhà nắm hơn 14,5% vốn; ông Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang và người nhà cũng sở hữu tỷ lệ khoảng 13,5%, một Phó Chủ tịch khác là ông Bùi Hải Quân và người nhà cũng nắm tỷ lệ cổ phiếu không hề nhỏ. Sau ngày 17.8 tới đây, ban lãnh đạo VPBank cùng người nhà sẽ đóng góp không dưới 7 người lọt vào top những người giàu có nhất trên sàn chứng khoán. |