Đảo Cát Bà hội tụ đầy đủ các yếu tố hấp dẫn của du lịch. Đó là vịnh Lan Hạ đẹp như mơ với nhiều bãi tắm nước trong và mặn. Hệ thống hang động, di chỉ lịch sử Cái Bèo, làng nổi và bản sắc văn hóa đặc thù đã tạo nên một đảo Ngọc Cát Bà. Rừng Quốc gia Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển cùng loài Voọc đầu trắng quý hiếm trong sách đỏ.
Và đặc biệt nhất là quái vật khổng lồ biển Cát Bà. Chuyện này chúng tôi đã được nhiều người kể lại dịp hè qua khi có dịp ghé qua đảo ngọc Cát Bà. Hòn đảo đang nổi tiếng bởi những thắng cảnh lại được những người dân ở đây “tô điểm” thêm bằng những điều huyền bí có thể nghe kể ở những quán nước ven bờ biển, ở trong chợ, ngoài làng… với sự mô tả vô cùng chi tiết, với nét mặt hoang mang, hãi hùng như thể người kể vừa mới gặp quái thú ấy mới vừa đây thôi.
Theo những câu chuyện nghe thấy thì loài hải tinh ghê gớm ấy trông giống như mãng xà, kích thước thì như một chiếc tàu cỡ lớn. Mỗi khi chúng nhô lưng lên giữa biển cả bao la, trông chẳng khác nào một hòn đảo chìm.
Độ hư hư thực thực của câu chuyện đến đâu là do cảm nhận của người nghe, nhưng nếu kiểm chứng thì nghe cũng có vẻ có… cơ sở vì ngư trường Cát Bà là nơi tồn tại rất nhiều loài hải sản. Trong số ấy, có nhiều loài có kích thước lớn ngoài sức tưởng tượng của các ngư dân vì có vóc dáng to lớn, hình thù kỳ lạ có những nét tương đồng với loài quái vật mà dân Cát Bà xôn xao truyền kể.
Bất kỳ ai nếu đến xã Phù Long ngay sát bờ biển đều có thể được nghe kể câu chuyện của lão ngư dân Nguyễn Đình Hùy ở xóm Ngoài. Theo chuyện kể của ngư ông này thì năm 1982 đội của ông ở HTX đánh bắt Phù Long được phân công đánh bắt cá nhâm (một loài cá đặc sản của Cát Bà) ở khu biển Rãng Le, gần với đảo núi Đại Thành. Đứng quan sát trên chòi cao ở ngọn cột buồm, đội trưởng Bé bỗng gào anh em cho thuyền chuyển hướng. “Có đảo ngầm! Rẽ ngay sang trái! Rẽ ngay!”.
Tiếng hô làm anh em đang chuẩn bị đồ nghề đánh bắt ở dưới khoang thuyền hết sức ngạc nhiên. Bao năm lênh đênh ở hải phận này, đến từng con sóng mọi người còn thông thạo huống chi lại không biết đến sự hiện diện của một đảo ngầm. Nhưng rồi mọi người cũng vội dừng tay nhìn theo hướng chỉ của ông Bé. Thật kinh ngạc, phía trước cách thuyền có vài chục mét, giữa sóng biển có một khối đen nổi lên sừng sững.
Mọi người còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì từ phía xa, “hòn đảo ngầm” bỗng chuyển động, cứ từ từ nhằm hướng thuyền lao tới, nhưng khi khoảng cách chỉ còn vài mét, bỗng dưng nó dừng lại. Từ trên khoang, ông Hùy thấy lưng con vật nhô cao lên khỏi mắt nước cỡ gần một mét.
Và, theo phỏng đoán của ông, thân con vật ấy rất dài bởi chỉ riêng phần nhô lên ấy, một khoảng chừng năm mét khô cong, không mảy may có một vệt nước. Tấm lưng ấy được phủ một lớp vảy dày. Mỗi vảy to như chiếc mâm con, màu vàng nhạt. Nhìn xuyên qua nước biển, ông thấy đầu con vật lạ như đầu cá heo, với đôi mắt to như hai chiếc bát cỡ lớn, sáng rực.
Không biết “ma xui, quỷ khiến” thế nào ông Hùy vồ lấy chiếc đinh ba chuyên dùng để săn bắt những loài cá lớn có những chiếc mũi thép dài đến hơn hai gang tay, buộc đoạn thừng dùng làm dây neo thuyền vào, rồi nhảy lên mũi thuyền nhằm đầu con vật lạ đâm tới.
Cú đâm ngọt lịm. Chiếc đinh ba cắm ngập hết chân răng, nhưng răng chiếc đinh ba dài đến hơn 40 cm chắc chắn vẫn chưa xuyên tới phần não bộ của thủy quái. Lúc này, tất cả các thành viên trên thuyền đồng loạt tìm vũ khí tấn công.
Bị “nếm đòn hội đồng” con vật khổng lồ rùng mình quẫy đuôi làm chiếc thuyền cá trọng tải cả vài chục tấn chòng chành như chiếc vỏ trấu, mọi người trên khoang bấu víu chặt vào bất cứ vật gì trên thuyền, chờ giây phút tồi tệ nhất.
Thủy quái tiếp tục tung ra cú quật đuôi xuống mặt nước ngay cạnh thuyền khiến một khối nước khổng lồ dội xuống thuyền trắng xóa. Sau cú phản đòn ấy, con vật đã dừng lại, rồi nhằm hướng khơi xa, lao đi kéo sợi dây thừng buộc vào đinh ba khiến chiếc thuyền bị lôi vút theo với vận tốc chóng mặt.
Sợi thừng dài gần 20m đã căng mà đuôi con vật vẫn còn đập vào mạn thuyền chan chát. Đội trưởng Bé đã vồ lấy con dao chặt đứt đoạn dây. Nhờ đó, chiếc thuyền mới được giải thoát. Sợ con vật bị thương sẽ quay lại trả thù, đội trưởng Bé vội vàng ra lệnh mở hết tốc lực nhằm hướng đất liền trốn chạy.
Thành viên nữ duy nhất của đội thuyền năm đó là bà Nguyễn Thị Thại đã một lần nữa “sống trong sợ hãi” khi hai vợ chồng giáp mặt với một thủy quái khổng lồ khác cũng trên lãnh hải Cát Bà. Lần này quan sát kỹ hơn, bà khẳng định con vật có thân hình chẳng khác nào con rắn.
Sáng ấy, vào khoảng năm 1984, sau khi buông lưới xong, vợ chồng bà đánh thuyền vào ngọn núi Vung Viêng để cắm sào nghỉ, chờ được nước sẽ ra thu lưới. Khi hai vợ chồng còn cách chân núi có vài mét, ngồi trên đầu thuyền, bà thấy vật gì đen xì nằm tơ hơ giữa thảng cát vàng.
Tưởng nước mới bồi một cồn phù sa mới, bà bảo chồng đậu thuyền ngay tại cồn đất đó để tránh mắc cạn. Nói vừa dứt câu thì bà cầm sào chọc luôn vào “cồn đất” ấy. Kinh hoàng thay “cồn đất” bỗng... trở mình. “Cồn đất” ấy chính là một con vật khổng lồ, thân như thân rắn, nằm cuộn tròn sưởi nắng. Hai ông bà vội vào khoang thuyền chèo ngược ra.
Được một đoạn gặp mấy chiếc thuyền của ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh ông đã bảo họ cùng quay lại “cồn đất” kia. Thế nhưng, đến nơi, “cồn đất” khi nãy đã biến đâu mất chỉ còn là hố cát lõm hẳn xuống giữa nước biển trong veo.
Chuyện dân ta kể là như vậy. Còn ở bên trời Tây, thông tin trên tạp chí Forteantimes, một tạp chí chuyên viết về những hiện tượng kỳ lạ của Anh, mới đây đã công bố một tài liệu gây sốc: Trên hải phận biển Cát Bà (Việt Nam) từng xuất hiện loài rắn biển khổng lồ, và hải quân Pháp nhiều lần đã chạm phải chúng.
Tạp chí này cho hay vào cuối thế kỷ 19 đầu và giữa thế kỷ 20 nhiều tàu hải quân của Pháp đã gặp loài rắn khổng lồ trên ở cự ly không xa. Thậm chí, năm 1936, hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Air France đã nhìn thấy loài rắn biển này từ trên cao, khi chúng làm những động tác uốn lượn trên mặt nước.
Theo nội dung của công bố trên nêu rõ, trong báo cáo của Đại úy Hải quân Lagresille (chỉ huy pháo thuyền Avalanche) thì tháng 7-1897, lần đầu tiên các thủy thủ trên thuyền chiến đã nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở gần vịnh Hạ Long. Thân chúng dài khoảng 20m, đường kính thân chừng 2 - 3m. Chúng di chuyển bằng cách uốn lượn như rắn. Các thủy thủ của thuyền chiến liên tiếp nã đại bác vào hai con vật khiến chúng lặn sâu xuống lòng đại dương.
Ngày 24.2.1898, hai con vật tương tự trên lại xuất hiện trước mũi tàu. Ngay lập tức, Đại úy Lagresille ra lệnh cho thủy thủ phóng tàu đuổi theo trong suốt 3,5 giờ đồng hồ. Khi khoảng cách với đôi quái vật chỉ còn khoảng 200m, Đại úy Lagresille đã nhìn thấy rất rõ loài vật này. Đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi.
Cũng theo tạp chí Forteantimes, vào sáng sớm 12.2.1904, trong lúc đang tuần tra ở mỏm Con Cóc, đại uý Peron, thuyền trưởng tàu Chataurenault được báo: Phía trước tàu có một mỏm đá. Sau khi quan sát bằng ống nhòm, Peron khẳng định, đó không phải là mỏm đá mà là con vật khổng lồ hình thù gần giống loài cá chình khổng lồ. Da chúng màu xám, có những đốm vàng nhạt. Ngay lập tức ông cho thuyền áp sát. Nhưng gần đến nơi thì con vật biến mất.
Tiếp đó, trong bức thư được viết từ Hải Phòng đề ngày 18.3.1925, một thủy thủ của tàu hơi nước Saint - Francois - Xavier của Pháp gửi cho thuyền trưởng Lanessan kể lại rằng, trên đường tuần tra, ở hải phận Hải Phòng, cách tàu 10m, thủy thủ của tàu đã nhìn thấy hai khối đen xì tựa mai rùa, một cái đầu to nhô lên khỏi mặt nước như đầu lạc đà, cắm trên cái cổ cao chừng 2,5m.
Thân hình con vật to như thung rượu, cuộn thành 5 vòng. Trên đốt cuộn thứ 4 là một vây cánh dài cỡ hơn sải tay người. Con vật xuất hiện suốt 15 giờ đồng hồ, trước mắt cả người Âu, người Phi, người Hoa và cả người Việt.
Rắn khổng lồ chính là những “con quái vật” mà rất nhiều những ngư dân ở Cát Bà đã từng tận mắt nhìn thấy? Phỏng đoán này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong từ điển các loài sinh vật sống ở đại dương, trừ cá mập, cá voi thì hiếm có loài nào có kích thước và vóc hình to lớn như vậy.
Đến xã Phù Long (huyện đảo Cát Bà), bạn sẽ được nghe kể rằng, bãi biển của xã thường xuyên là “bãi tha ma” của những loài động vật biển lạ lùng. Năm 1999, tại bãi Trại Ranh, ngay sát đoạn đường Mốc Trắng, một con vật khổng lồ còn thoi thóp dạt vào bãi. Đuôi con vật đó vẫn hằn nguyên dấu dây cáp vằn vện xung quanh. Con vật ấy nặng chừng 5 tấn, nằm sõng soài trên bờ cát phẳng lì.
Nhìn con vật to như chiếc thuyền lật úp đang trong cơn hấp hối, nhiều người bảo ấy là cá voi, người thì bảo đó là con hà mã biển... nhưng chẳng ai dám ra tận nơi xem. Tin con vật khổng lồ dạt vào bờ rồi chết truyền đến một đơn vị bộ đội đóng quân gần đó. Mấy cậu lính trẻ hiếu động không biết giời đất là gì đã ra xả thịt con vật về... ăn! Dân làng thấy vậy không còn sợ hãi nữa, cũng đổ xô ra kiếm thịt. Ăn không hết, có người còn giả làm thịt bò, thịt trâu, đem ra tận Hải Phòng bán.
Trước đó, năm 1996, cũng tại khu bãi này, xác một con vật khổng lồ khác cũng bị sóng đánh dạt vào. Theo một cán bộ xã Phù Long thì ông Nguyễn Đình Minh ở thôn Bắc là người thấy xác con vật ấy đầu tiên.
Ông Minh kể, năm ấy, đang cải tạo ao nuôi ngao ở ngoài bãi, bất chợt ông thấy có mùi gì khác lạ thoảng qua. Theo hướng gió thì mùi lạ ấy đến từ bờ biển, ông vác cuốc đi tìm nơi phát tán ra mùi xú uế ấy. Ra đến trảng cát, ông thấy ngay ngoài mép nước, một vật gì trông to như chiếc tầu ngầm mà ông vẫn thấy trên ti vi, nhưng trông nó nửa giống cá, nửa giống thú.
Con vật thân thon dài đến gần 20 m, hàm rộng với những chiếc răng trắng xóa, đều và sắc nhọn. Không hiểu do đâu mà nó chết, thịt đã thối rữa, nhặng ruồi bâu đen kịt. Sợ hãi, ông Minh vội vàng về hô hoán dân làng ra xem.
Chuyện bên ta là vậy, bên Tây cũng có chuyện tương tự. Đó là lần đang đi dạo trên bãi biển cùng chú chó cưng, một cặp vợ chồng người Anh đã sốc khi bất ngờ tìm thấy xác một con thủy quái dài tới 9m đang phân hủy trên cát.
Ông Nick Flippence, 59 tuổi, tâm sự rằng, ông đã thấy choáng váng khi mới nhìn thấy cái xác kỳ dị đang thối rữa mà không biết nó từng là con gì. Họ tin rằng đó có thể là xác của một thủy quái thời tiền sử sau khi chết đã trôi dạt vào bờ. Nó không giống với bất cứ loài vật nào mà chúng tôi từng nhìn thấy. Tôi có cảm giác như mình đang sống trong thời kỳ tiền sử của hàng ngàn năm trước đây. Xác của sinh vật lạ này nằm cuộn tròn dưới lớp cát biển, thịt đang bị phân hủy nhưng răng và xương thì vẫn còn nguyên.
Các nghiên cứu và suy đoán vẫn đang tiếp tục được đưa ra cho đến khi có kết luận cuối cùng. Thôi thì chuyện quái vật biển bên Tây cứ để các vị nghiên cứu, còn bên ta, chuyện thủy quái Cát Bà, những mong các nhà khoa học hải dương học vào cuộc xác định xem nó là cái giống gì mà kinh khủng thế và nó có thật hay là lúc trà dư tửu hậu, bà con ta kể chuyện cho... sướng!