Dân Việt

"Tình đầu" Thái Lan với hàng Việt

Thành Long 13/08/2017 07:30 GMT+7
Hội chợ triển lãm quốc tế ASEAN – Ấn Độ 2017 tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 2 – 5.8.2017. Chỉ trong bốn ngày triển lãm và kết nối với các doanh nghiệp Thái Lan, các sản phẩm Việt Nam lại giành được rất nhiều sự yêu mến từ các đối tác Thái Lan, kể cả Ấn Độ.

Kem que sầu riêng Thái Lan, món ăn đang được các bạn trẻ Sài Gòn “lùng sục” có giá 120.000 đồng/cây với chỉ một múi sầu riêng. Nói là múi sầu riêng nhưng thực ra đó là cây kem có vị và hình dáng của một múi sầu riêng. Giá không rẻ, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn mua vì tính bắt mắt và lạ của nó. Nhiều sản phẩm Thái đang âm thầm chiếm cảm tình người tiêu dùng Việt như vậy. Còn người Thái thì sao? Liệu họ có cảm tình với sản phẩm Việt như vậy không?

img

Thủ tướng Thái Lan tỏ ra quan tâm đến gạo hữu cơ của Việt Nam.

Người Thái chuộng hữu cơ

Vinamit đến thủ đô Bangkok triển lãm và cho khách tham quan dùng thử trái cây sấy dẻo hữu cơ của mình. Sản phẩm này đã được chứng nhận hữu cơ của USDA, không có đường, hoá chất hay phẩm màu. Vị ngọt là ngọt tự nhiên từ chính trái cây. Điều này đã chinh phục được người Thái Lan. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay của Thái, những sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khoẻ là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Bằng chứng là, vào ngày thứ ba của hội chợ, ban tổ chức thiết kế buổi kết nối doanh nghiệp Thái, đối tác đã tiếp xúc trước đó với Vinamit vẫn quay lại năn nỉ  mua cho bằng hết các sản phẩm vì: “Chúng tôi muốn mua để mang về cho bạn bè, gia đình biết thêm những sản phẩm chất lượng như thế này”.

Có mặt rất đúng giờ trong buổi B2B Matching – Kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp Thái Lan, do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngay tại thủ đô Bangkok, bà Helen Hoi Wong, đại diện khối Kinh doanh quốc tế – tập đoàn Berli Jucker (BJC), đã chia sẻ: “Các sản phẩm Việt Nam rất khác biệt. Như ngày hôm nay, tôi đến đây và ngạc nhiên về các sản phẩm này. Có những hương vị mà chúng tôi chưa từng nếm qua. Chúng tôi cũng muốn mang những hương vị như vậy đến cho người tiêu dùng Thái, trong chuỗi bán lẻ của chúng tôi trong thời gian sắp đến”.

100% DN tìm được đối tác Thái

Tại buổi B2B Matching, mỗi doanh nghiệp Việt có phần trình bày 3 phút giới thiệu về công ty, sau đó họ trở về các bàn làm việc. Các doanh nghiệp Thái theo lượt sẽ đến từng bàn doanh nghiệp thảo luận. Một trong những điều ít đơn vị tổ chức nào làm được trong những buổi B2B Matching, đó chính là mời được những “ông lớn” xuất hiện, mà lại còn ở Thái, nơi hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao lần đầu tổ chức những hoạt động như vậy.

Hai chuỗi bán lẻ lớn tại Thái là Central Group và BJC đều xuất hiện. Họ đi tám người, được hiểu là tám đại diện khác nhau, do mỗi người đều phụ trách theo một ngành hàng.

Các doanh nghiệp Việt tham gia B2B Matching khá đa dạng về ngành hàng, từ thực phẩm cho đến gốm sứ, mỹ phẩm, gia dụng. Anh Nguyễn Tấn Thọ, giám đốc kinh doanh quốc tế công ty Qui Phúc, chia sẻ: chuyến đi này là cơ hội để nắm bắt thị trường, vì công ty đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người Việt, nhưng chưa chắc đã phù hợp cho thị trường Thái. Nhìn vào cuốn catalogue anh Thọ mang theo với một hàng mã số, anh nói: “Đây là những mã hàng mà họ yêu cầu mình gửi báo giá, có một số mã họ đã có, có một số chưa. Nhưng họ rất muốn tham khảo mình vì thấy chất lượng tốt”.

Tương tự như Qui Phúc, các doanh nghiệp khác đều thu được kết quả khả quan cho những lần hẹn sắp đến như: Bích Chi kết nối được tám đối tác, Minh Long và Vinamit được sáu đối tác, Điện Quang được ba đối tác…

Dẫu biết trong cuộc gặp lần đầu khó có thể “được mua hàng” ngay, nhưng chính những buổi gặp gỡ như vậy là bước đệm để các sản phẩm Việt có mặt tại Thái Lan. Như bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, quản lý dự án và phát triển kinh doanh của Central Group, tập đoàn sở hữu Big C Việt Nam, đã có lời hẹn với nhiều doanh nghiệp vào ngay giữa tháng 8 này cho tuần lễ Hàng Việt tại Thái, do chính Central Group tổ chức.