Dân Việt

Kỹ sư nông nghiệp kỳ cựu và chuyện gieo hạt giống bằng cả trái tim

Thuận Hải 15/08/2017 10:50 GMT+7
“Mình làm hạt giống là phải có tâm, bằng cả trái tim, vì hạt giống dù rất nhỏ nhưng quyết định rất lớn đến kết quả mùa vụ của bà con nông dân!”-đó là thổ lộ của ông Huỳnh Đoàn Thông, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Đó là tâm niệm trong suốt 15 năm làm nghề nghiên cứu lai tạo, sản xuất hạt giống các loại của ông Huỳnh Đoàn Thông (ngụ xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Vốn là một kỹ sư nông nghiệp lại am hiểu về thị trường cũng như nhu cầu của nông dân trong lĩnh vực hạt giống, ông Thông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp hàng nghìn hộ nông dân khác vươn lên, nhờ hạt giống tốt.

Từ giấc mơ hạt giống…

Một buổi sáng đầu tháng 8, ông chủ cơ sở hạt giống Chánh Phong (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM) tiếp chúng tôi tại văn phòng làm việc nhỏ nhưng gọn gàng, đầy đủ các thiết bị máy tính, máy lạnh… Bên cạnh là nhà xưởng sơ chế, xử lý và đóng gói hạt giống với rất nhiều máy móc thiết bị hiện đại.

Tiếp chúng tôi, ông Phong say sưa kể chuyện làm hạt giống khi chiếc điện thoại vẫn “chăm chỉ” reo ầm ĩ. Ông Thông kể, tốt nghiệp khoa Trồng trọt của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, sau nhiều năm làm việc ở công ty hạt giống, ông Thông quyết định “ra riêng”, đầu tư làm nông nghiệp.

img

 Ông Đoàn Huỳnh Thông (phải) cùng kỹ thuật viên vận hành máy xử lý hạt giống. ảnh: Thuận Hải

Ban đầu, ông Thông trồng rau các loại để xuất khẩu. Dần dà, thấy việc nhập khẩu hạt giống thiệt… vô lý và tốn nhiều chi phí, lại rủi ro cao, ông Thông chuyển sang nghiên cứu làm hạt giống, bắt đầu với hạt giống ớt và các loại rau. Để có đất gieo hạt tạo giống, ông Thông liên kết với những nông dân có kinh nghiệm trồng rau màu ở Củ Chi, Long An, Tiền Giang…

Năm 2010, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đi vào hoạt động, Công ty TNHH Chánh Phong - do ông Thông và một người bạn cùng hùn vốn thành lập - thuê 2ha đất, thực hiện dự án nghiên cứu, sản xuất hạt giống rau chất lượng cao (F1). Đến nay, ông Thông nghiên cứu và sản xuất được khoảng trên 10 loại giống rau, củ, quả chất lượng cao như: ớt hiểm, ớt sừng, dưa leo, khổ qua, cà tím, đậu bắp… với năng suất và chất lượng rất tốt.

Đặc biệt, mới đây nhất, theo nhu cầu của người tiêu dùng, ông Thông đã nghiên cứu và sản xuất được hạt giống dưa lưới, một sản phẩm nông nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây và rất được thị trường ưa chuộng.

“Giống dưa lưới thì phải khỏe, cho trái có gân đẹp, có độ ngọt vừa phải và phải giòn tan trong miệng. Mình làm giống cũng như làm dâu thiên hạ, nghiên cứu tìm hiểu chiều lòng thị hiếu người tiêu dùng để rồi người làm giống sẽ vui không thể tả được khi hạt giống của mình được thị trường tin dùng” - ông Thông chia sẻ.

Đến doanh thu hàng tỷ đồng

Nhiều năm liền là nông dân giỏi các cấp, ông Huỳnh Đoàn Thông hiện là Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong, ông cũng vừa được phong danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. 

Hiện tại, cơ sở Chánh Phong mỗi năm cho doanh thu 10 tỷ đồng từ việc sản xuất kinh doanh hạt giống, lợi nhuận xấp xỉ 3 tỷ đồng. Nghe mà ham, thế nhưng, biết tận tường quá trình những lần thất bại, những đêm dài trăn trở xem hạt giống nảy mầm bên ruộng thử nghiệm… mới thấy hết niềm đam mê của người làm giống.

Ông Thông cho biết, Chánh Phong đang sử dụng phương pháp “bất dục đực tế bào chất” để sản xuất hạt giống. Cùng với đó là hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt cũng hoàn toàn tự động và cơ giới hóa 100%. Hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho các vườn nghiên cứu, sản xuất của công ty cũng đã được lập trình với độ chính xác tuyệt đối đến từng loại cây trồng khác nhau.

Do vậy, trong quá trình vận hành hệ thống tưới, bón chỉ cung cấp vừa đủ chứ không bị dư thừa nên giảm được 70% lượng phân, thuốc, nước mà vẫn cho sản phẩm mẫu mã đẹp, đồng thời giảm được khoảng 50% chi phí nhân công lai tạo.

“Nói thì đơn giản thế nhưng quá trình nghiên cứu, lai tạo và thử nghiệm để có hạt giống ra thị trường phải tính bằng những năm tháng dài. Như giống ớt hiểm, tôi bắt tay vào nghiên cứu năm 2004 nhưng đến năm 2010 mới có sản phẩm ra thị trường, hay như giống dưa lưới gần đây, Chánh Phong mất gần 4 năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm để có hạt giống với các đặc tính tốt nhất, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam” - ông Thông nói.

Ông Thông kể, thế mạnh của nông dân ở TP.HCM, mà cụ thể là những người làm công tác giống, là có điều kiện học hỏi từ nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, dễ dàng tiếp cận với các kho lưu trữ nguồn gen đa dạng từ các tổ chức này cũng như của các viện giống nổi tiếng. Như ông Thông, mỗi năm vài lần ông đi nước ngoài, trước để tham quan học tập kinh nghiệm từ các nước, sau đó để tìm kiếm các nguồn gen mới, giống mới về cho nông dân mình.

“Mỗi lần đi hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, tôi tranh thủ hết thời gian để tìm hiểu, có lúc mình xin nguồn gen từ các viện nghiên cứu ở nước bạn, có lúc mình phải mua với giá hàng nghìn USD. Nhưng đó là nguồn gen quý, là cơ sở để mình nghiên cứu, cải tiến, phát triển các giống mình hiện có cũng như làm thêm giống mới” - ông Thông chia sẻ.

Cùng với đó, ông cũng thường xuyên về  các tỉnh thu thập các nguồn giống bản địa, rồi từ đó tìm cách cải tiến, giữ lại các đặc tính tốt, cải thiện những đặc tính chưa tốt để cho ra cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt. Ví như cây đậu bắp của Chánh Phong được ông Thông cải tiến từ một loại đậu bắp bản địa.

Giống đậu bắp địa phương có sức sống rất tốt, cây to khỏe, chống chịu được với sâu bệnh nhưng năng suất lại thấp do khoảng cách giữa các nách lá quá lớn, mỗi cây chỉ cho 5 – 6 trái. Sau nhiều lần cải tiến các tính trạng, ông Thông cho ra được giống đậu bắp thân cao to, sức sống khỏe và trái rất sai, đặc biệt có thể thu hoạch kéo dài nhiều tháng liền. Hay như giống ớt, sau nhiều năm trời nghiên cứu khẩu vị người tiêu dùng, ông Thông cho ra giống ớt hiểm trái màu đỏ bóng mượt, cay, thơm nhưng cũng có vị ngọt hậu nhè nhẹ rất hấp dẫn.

Làm hạt giống phải có tâm

Đó là điều ông Thông nhắc đi nhắc lại trong suốt câu chuyện với chúng tôi. Hơn 15 năm trong nghề sản xuất, lai tạo hạt giống, ông Đoàn Huỳnh Thông luôn tâm niệm rằng, người sản xuất hạt giống phải đảm bảo chất lượng, bởi giống tốt nông dân mới có hy vọng vụ mùa bội thu.

Theo ông Thông, người sản xuất hạt giống nhất định không được chạy theo lợi nhuận mà làm qua loa, ngược lại phải thật chi li, cẩn trọng và chính xác từng công đoạn. Cũng vì vậy mà có nhiều lô hạt giống sản xuất ra, giá trị hàng trăm triệu nhưng chất lượng không đạt chuẩn nên Chánh Phong phải hủy bỏ, chứ nhất quyết không đưa ra thị trường.

Theo ông Thông, hạt giống tốt thì tỉ lệ nảy mầm phải trên 95%, như vậy sẽ giảm được chi phí mua hạt giống của nông dân, ngoài ra, tỉ lệ nảy mầm cao thì sự đồng đều của cây trồng trên đồng cũng tốt hơn, thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa.

Ông Thông nhìn nhận: Với nông dân, bao nhiêu thứ cần chi tiêu cho gia đình, từ ăn uống, học phí cho con, giỗ chạp cưới hỏi… đều trông chờ vào mảnh ruộng, chưa kể tiền vốn đầu tư có khi nông dân phải vay ngân hàng. Hạt giống không tốt sẽ không thể làm lại từ đầu được; nếu nông dân thất thu, cả mùa vụ đó sẽ không có nguồn thu nào khác để bù vào các nhu cầu của gia đình.

“Do đó, trong các nghề thì bán giống là nghề khó khăn nhất, vì nó quyết định rất lớn đến kết quả của cả mùa vụ. Nếu nông dân lỡ mua hạt giống về sản xuất không cho kết quả tốt thì mình phải xuống tận nơi kiểm tra, phân tích xem ruộng của nông dân chưa đúng ở khâu nào, nếu lỗi là do phía mình thì phải có chính sách đền bù cho nông dân, còn nếu nông dân sai, sản xuất chưa đúng kỹ thuật… thì mình phải hướng dẫn lại bà con cách làm đúng, đồng thời cũng phải hỗ trợ nông dân nữa” -  ông Thông tiếp lời./.