Kịch bản của “Mùa xuân Ả rập”?
Phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" (Occupy Wall Street) bùng phát từ ngày 17.9 nhằm lên án giới ngân hàng - thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và nạn thất nghiệp lên tới hơn 9% hiện nay.
Cuộc biểu tình đã lan rộng ra nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. |
Hàng nghìn người biểu tình hàng ngày đã tập trung tại khu phố thương mại của New York. Những người biểu tình có mặt đông đảo trên Quảng trường Liberty Plazza, mà đối với họ đã trở thành "Quảng trường Tahrir" - biểu tượng của phong trào dân chủ ở Ai Cập. Người biểu tình Mỹ không đòi dân chủ, mà yêu cầu cải thiện công bằng xã hội.
Đối tượng phản đối của họ là giới tài chính "tham lam". Trên các biểu ngữ, có thể đọc thấy hàng chữ: "Tất cả các chủ ngân hàng đều là phátxít". Các thành viên của phong trào trên khẳng định: "Phong trào của chúng tôi thuộc mọi màu da, mọi giới tính, mọi đức tin. Chúng tôi thuộc về đa số. Chúng tôi chiếm đến 99% xã hội. Chúng tôi không thể giữ im lặng như trước".
Còn tại thành phố Boston, Bank of America - ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, đã bị khoảng 3.000 người phản kháng bao vây phản đối việc trưng thu bất động sản với các thủ tục hết sức mờ ám. Cảnh sát đã bắt giữ 24 người biểu tình vì tổ chức một cuộc phản đối ngồi bên trong ngân hàng. Ngày 1.10, khoảng 800 người khác cũng đã bị bắt giữ khi họ tràn xuống đường làm tắc nghẽn giao thông tại cầu Brooklyn trong vòng 2 giờ.
Trước khi cơn thịnh nộ của dân nghèo ở Mỹ diễn ra, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã có động thái làm yên lòng dân, nhưng chưa hiệu quả. Ông Barack Obama đã đề xuất quốc hội kế hoạch tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 1 triệu USD/năm để góp phần bù đắp thâm hụt ngân sách. Với đề xuất mới này, ông Obama hy vọng sẽ thu thêm được khoảng 3 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Hiệu ứng lan rộng
Theo kênh truyền hình TF1của Pháp, những người tham gia phong trào "Chiếm Phố Wall", cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh đến qua mùa đông, phản đối các tác động của khủng hoảng kinh tế, việc Chính phủ cứu trợ ngân hàng năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 9%, cũng như phản đối đối xử bất công với những nhóm người thiểu số ở Mỹ.
Theo những người biểu tình, đây không phải cuộc biểu tình chống cảnh sát mà họ đang bảo vệ 99% dân số Mỹ chống lại 1% người giàu có nhưng lại nắm giữ phần lớn số tiền trong xã hội.
Phong trào biểu tình đã phát triển đáng kể và lan sang các thành phố lớn khác trên khắp nước Mỹ trong tuần qua như Boston, Chicago và San Francisco nhằm hưởng ứng mục tiêu của cuộc biểu tình trên Phố Wall. Đến ngày 3.10, phong trào này đã lan xuống thành phố Los Angeles với những khẩu hiệu “Chiếm Los Angeles”. Phần lớn là người trẻ tham gia phong trào này, họ cùng lúc sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook để kêu gọi thêm nhiều người biểu tình khác tham gia.
Những người biểu tình còn cho biết, sẽ có thêm một cuộc biểu tình nữa trên Phố Wall vào ngày 5.10 tới.
Quang Minh