Ấn Độ lần đầu phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5 vào năm 2012.
Theo IB Times, nguồn tin quân sự Trung Quốc và Ấn Độ tuần qua đều cho thấy hai nước đã huy động binh sĩ, tăng cường sự chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến tranh biên giới.
Chiến tranh lần hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ là điều đáng sợ vì hai nước có số dân 2,6 tỷ người này đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Hai quốc gia láng giềng duy trì chính sách không tấn công hạt nhân phủ đầu nhưng không có gì đảm bảo rằng thảm họa hạt nhân sẽ không xảy ra.
Tên lửa hạt nhân Ấn Độ phủ kín Trung Quốc
Đáng chú ý nhất trong kho vũ khí Ấn Độ là dòng tên lửa đạn đạo Agni do nước này nghiên cứu và sản xuất. Trải qua 5 phiên bản, tên lửa Agni ngày càng mạnh mẽ, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân hơn và mở rộng tầm bắn phủ khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Agni-1 là tên lửa một tầng, nhiên liệu rắn, có tầm bắn 1.250 km còn phiên bản cải tiến Agni-2 là tên lửa hai tầng, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km.
Agni 2 nặng 16 tấn, mang theo đầu đạn hạt nhân 1 tấn, đủ sức san phẳng mục tiêu chiến lược Trung Quốc ở miền tây, miền trung và miền nam. Ấn Độ cũng sản xuất phiên bản Agni-3 với trọng lượng lên tới 48 tấn, đầu đạn hạt nhân mạnh gấp đôi Agni-2.
Tên lửa Agni-5 là vũ khí mạnh nhất Ấn Độ răn đe Trung Quốc.
Đến Agni-4 thì tên lửa này đã đạt tầm bắn tối đa 5.000, có thể tấn công gần như tất cả mọi địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc, kể cả thủ đô Bắc Kinh.
Mạnh mẽ nhất trong kho vũ khí Ấn Độ ngày nay là tên lửa đạn đạo hạt nhân Agni-5. Giới quan sát nói tên lửa này có tầm bắn lên tới 8.000km, tương đương tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Agni-5 sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV), cho phép mỗi tên lửa có thể mang theo từ 2-10 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu khác nhau.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của dòng tên lửa Agni là tất cả đều sử dụng nhiên liệu rắn, qua đó giúp giảm tối đa thời gian phóng. Nếu được gắn với bệ phóng di động, các tên lửa này có thể được phóng đi chỉ trong vòng vài phút.
Ấn Độ hiện đang phát triển tên lửa Agni-6 với sức mạnh toàn diện, tầm bắn 10.000km, có thể khai hỏa cả từ tàu ngầm và hầm ngầm dưới lòng đất.
“Át chủ bài” Trung Quốc đáp trả Ấn Độ
Thế hệ tên lửa đạn đạo Đông Phong đầu tiên.
Đối trọng với Ấn Độ là loại tên lửa Đông Phong (DF) do Trung Quốc phát triển. DF bao gồm các biến thể tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm gần, tầm trung và liên lục địa.
Trung Quốc bắt đầu phát triển Đông Phong vào những năm 1950 với sự trợ giúp từ Liên Xô sau khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ năm 1950.
DF-1 và DF-2 lần lượt có tầm bắn 500 km và 1.250 km. Cả hai được đưa vào sử dụng trong những năm 1960 nhưng hiện đã bị loại bỏ khỏi biên chế.
DF 3 được xem là phiên bản nội địa của tên lửa R-14 do Liên Xô chế tạo. Tên lửa có tần bắn 2.500 km và mới được ngừng sử dụng năm 2010 để thay thế bằng phiên bản DF-21 trang bị đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, DF-4 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm bắn tới 7.000km, mang đầu đạn nặng 2,2 tấn. Phiên bản DF-31 mới kế thừa tính năng của tên lửa này, sử dụng nhiên liệu rắn và có thể khai hỏa từ xe phóng di động.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh.
Cuối cùng, Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-5A, đủ sức mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, tấn công mục tiêu xa tới 13.000km.
Theo giới phân tích quân sự, Trung Quốc có một loại tên lửa mạnh tương đương Agni-5 của Ấn Độ, gọi là DF-26. Đây cũng là mẫu tên lửa đầu tiên của Trung Quốc đủ sức hủy diệt căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, nên còn được gọi là “sát thủ diệt Guam”.
Có thể nói, cuộc đua chế tạo vũ khí chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang diễn ra quyết liệt khi cả bên đều đang hướng đến phiên bản tên lửa hạt nhân tầm bắn xa hơn 10.000km, mang theo nhiều đầu đạn hơn và độ chính xác cao hơn.
Ấn Độ ngày nay đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tập trung phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo...