Với mức giá dự kiến niêm yết trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) là 39.000 đồng/cổ phiếu (mã chứng khoán VPB), số tài sản tính theo giá cổ phiếu của 3 thành viên HĐQT VPBank và người nhà sẽ trị giá khoảng 16.412 tỷ đồng.
VPBank sẽ có vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường, chỉ sau Vietcombank, BIDV, VietinBank (Ảnh: IT)
Thêm nhiều... “gia đình tỷ phú”
Theo bản cáo bạch niêm yết của VPBank, tại thời điểm 28.7, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng hiện đang sở hữu hơn 70,2 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 5% vốn điều lệ. Ngoài ra, mẹ đẻ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang nắm hơn 66,5 triệu cổ phiếu (hơn 4,7% vốn điều lệ) và bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) đang nắm gần 68 triệu cổ phiếu (hơn 4,8% vốn điều lệ). Như vậy, tổng cộng gia đình ông Dũng đang nắm giữ hơn 204,7 triệu cổ phiếu, tương đương 14,56% vốn điều lệ VPBank.
Nếu tính theo giá niêm yết là 39.000 đồng/CP, ngay sau khi lên sàn, số tài sản mà gia đình ông Dũng sẽ lên tới 7.984 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của VPBank trước thời điểm chào sàn
Tương tự, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cũng đang nắm giữ hơn 35,7 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, vợ ông Quân là bà Kim Ngọc Cẩm Ly lại nắm giữ hơn 66,3 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phiếu VPBank mà 2 vợ chồng ông Quân nắm giữ là hơn 102 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,26%).
Nếu tính theo giá chào sàn ngày 17.8 tới thì số tài sản của gia đình ông Quân cũng lên tới hơn 3.982 tỷ đồng.
Ngoài ra, một lãnh đạo cao cấp khác của VPBank là ông Lô Bằng Giang, Phó Chủ tịch HĐQT cũng sở hữu gần 1,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,134% vốn điều lệ). Tuy nhiên, phía gia đình ông Giang lại nắm giữ một lượng cổ phiếu tương đối lớn. Cụ thể, bà Lý Thị Thu Hà (mẹ đẻ ông Giang) nắm giữ hơn 64,5 triệu cổ phiếu VPBank (tỷ lệ 4,59%); bà Lô Hải Yến Ngọc (chị ruột ông Giang) nắm hơn 1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,071% vốn) và bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang) năm giữ hơn 46,5 triệu cổ phiếu.
Tính ra, gia đình ông Giang sở hữu hơn 114 triệu cổ phiếu VPBank (tỷ lệ 8,1% vốn điều lệ), tương đương mức tổng tài sản tính theo giá cổ phiếu VPB ngày chào sàn lên tới hơn 4.446 tỷ đồng.
Cũng theo bản cáo bạch, các cá nhân là ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân và ông Lô Bằng Giang phải cam kết nắm giữ 100% số lượng chứng khoán của VPB trong vòng 6 tháng và nắm giữ 50% số lượng trong vòng 1 năm kể từ ngày VPBank chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sẽ có sóng “chốt lời” VPBank ngay sau khi lên sàn?
Sau niêm yết, giá trị vốn hoá của VPBank ước tính khoảng gần 52.000 tỷ đồng, trở thành nhà băng tư nhân có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường và lớn thứ 4 chỉ sau ba ông lớn ngân hàng TMCP Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank). Tuy nhiên, theo giới đầu tư chứng khoán và các chuyên gia phân tích thì nhiều khả năng sẽ có “sóng” chốt lời ngay thời điểm VPBank lên sàn. Lý do là mức giá chào sàn của VPBank hiện đang quá cao dù các chỉ số kinh doanh của nhà băng này đang được đánh giá là tốt nhất trên thị trường.
So sánh các chỉ số sinh lời của VPBank so với các ngân hàng khác
Cụ thể, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, dù các chỉ số tạo lợi nhuận như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân) hay NIM của VPBank hiện tại đều vượt trội, thậm chí cao gấp đôi so với mặt bằng chung ngành ngân hàng nên mới được định giá cao như thế. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư sẽ khó chấp nhận một ngân hàng mới lên sàn mà có mức giá vượt trội hơn hẳn cổ phiếu VCB (Vietcombank) vốn được mệnh danh là "vua" trong ngành ngân hàng; hoặc là gần gấp đôi những “ông lớn” như BID (BIDV), CTG (Vietinbank)...
“Nếu cổ đông lớn là người nhà của những thành viên HĐQT bán ra cổ phiếu thì sẽ tạo ra áp lực chốt lời lớn với VPBank”, đại diện này phân tích.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Trung, một nhà đầu tư cổ phiếu tại Q.1, cho rằng, thời gian gần đây đầu tư cổ phiếu “vua” khá rủi ro bởi những thông tin trên thị trường liên quan đến tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Vì vậy, sẽ là rủi ro lớn nếu “ôm” vào cổ phiếu VPBank với mức định giá cao như thế... “Thực tế, nhìn vào những chỉ số của VPBank thì thấy rất tốt, rất đáng đầu tư nhưng cũng phải nhìn đến các khoản nợ xấu của nhà băng này thì cũng thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể phần lớn lợi nhuận của VPBank đến từ công ty con là FE Credit cũng khá rủi ro với hoạt động cho vay tín chấp nên sẽ khó có nhiều nhà đầu tư dám mạo hiểm”, anh Trung nói.
Được biết, giá cổ phiếu VPBank thời điểm đầu năm 2017 trên sàn OTC giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, thời điểm cao nhất, giá cổ phiếu VPBank cũng chỉ giao dịch chạm ngưỡng 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5.2017, trên chợ giao dịch OTC, mức giá chào mua, chào bán của cổ phiếu VPBank bất ngờ được đẩy lên mức trên dưới 30.000 đồng/cổ phiếu do có thông tin nhà băng này chuẩn bị niêm yết.
Thời điểm hiện tại, sát ngày niêm yết lên sàn, giá cổ phiếu VPBank trên OTC hiện đang ở mức 37.000 - 38.000 đồng/CP.
VPBank vừa công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017. Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng đạt 249.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2016; hoạt động huy động vốn tăng 13% đạt 195.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 12% đạt 162.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trừ đi chi phí hoạt động và dự phòng, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 3.260 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 10% so với chỉ tiêu kế hoạch nửa đầu năm 2017. |