Ông Nguyễn Xuân Định – Trưởng ban Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN, Giám đốc Chương trình FFF Việt Nam cho biết, nhằm hỗ trợ các THT và HTX sản xuất rừng và trang trại đánh giá những điểm mạnh yếu của họ từ các khía cạnh thị trường, xã hội, môi trường, công nghệ và pháp luật trước khi thành lập một doanh nghiệp, từ ngày 27 – 30.6, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình FFF, Ban quản lý chương trình tổ chức khóa đào tạo kỹ năng phân tích thị trường và nâng cao năng lực kinh doanh giai đoạn 3 và 4 cho các tổ nhóm nông dân. Theo đó, cùng với học lý thuyết, các THT, HTX còn được đi khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm nghiệp. Qua đó, các thành viên trong THT được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người trực tiếp kinh doanh, các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Trong khuôn khổ Chương trình FFF, các thành viên THT, HTX đi khảo sát thị trường tại các vườn ươm cây giống. Ảnh: Thu Hà
Anh Nguyễn Văn Tuyên - thành viên Ban chủ nhiệm HTX nuôi gà Đông Thịnh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, hiện các thành viên HTX đã cùng nhau liên kết đầu vào bằng cách mua chung con giống, cám, thuốc thú y và thống nhất quy trình chăn nuôi gà an toàn VietGAP. Tuy nhiên, về đầu ra vẫn gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các thương lái nhỏ lẻ. “Trong khóa học, cùng với được đào tạo về kỹ năng phân tích thị trường, lên kế hoạch kinh doanh, chúng tôi còn được gặp gỡ các chuyên gia chăn nuôi gà VietGAP, cơ quan cấp chứng chỉ VietGAP, siêu thị Big C, Fivimart... Điều này rất thiết thực với nông dân”- anh Tuyên tâm sự.
Theo anh Tuyên, đến nay HTX nuôi gà Đông Thịnh đang từng bước củng cố lại kế hoạch hoạt động và sản xuất kinh doanh của HTX. Đặc biệt, các thành viên trong HTX cùng nhau phân tích và tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, các tác nhân trong chuỗi gà đồi để tiếp cận thị trường hiệu quả và ổn định hơn.
Anh Lý Văn Linh - Chủ tịch Hội ND huyện Ba Bể (Bắc Kạn) bày tỏ: “Tôi đánh giá cao việc Ban quản lý FFF T.Ư Hội NDVN đã liên hệ, kết nối trực tiếp các học viên với các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông lâm sản, các vườn ươm cây giống… trong thời gian để tổ chức khóa học. Đây là cách giúp các THT, HTX tiếp thu tốt nhất việc thực hiện kế hoạch kinh doanh sau khóa học để gia tăng thu nhập từ trồng rừng”.