Đối thoại với PV Dân Việt về việc người dân phản ánh những chiếc barie trên đê Hữu Đào gây nhiều bất cập ông Đặng Ngọc Thắng – Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) (Sở NNPTNT Nam Định) đã thông tin về sự việc…
Hình ảnh xe quá tải lưu thông vi phạm trên đê Hữu Đào. Ảnh PV Dân Việt ghi lại từ tư liệu do Chi Cục Quản lý Đê điều và PCLB Nam Định cung cấp.
Cắm barie để bảo vệ đê trước xe quá tải
Số liệu từ Chi cục Quản lý Đê điều và PCLB Nam Định cung cấp thể hiện trên địa bàn tỉnh có 663km đê. Trong đó, 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 91km đê biển và 8km đê biển Cồn Xanh); 274km đê sông; có trên 160km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển.
Hiện, tỉnh đã đổ bê tông mặt đê được 238,4km; 377,909km nhựa bán thâm nhập; 101,6km rải cấp phối, còn 25km đê đất chưa gia cố. Cùng với đó, có 282 cống qua đê; 31 bối, có những bối lớn có từ 7.000 đến 13.500 dân hiện đang định cư.
Một số tuyến đê bị xe quá tải gây hư hỏng để. Ảnh PV Dân Việt ghi lại từ tư liệu Chi Cục Quản lý Đê điều và PCLB Nam Định cung cấp.
Ông Đặng Ngọc Thắng cho biết vấn đề vi phạm an toàn đê điều trên địa bàn rất nan giải. Thực trạng các bãi vật liệu xây dựng phát triển tràn lan trên các tuyến sông, dân cư bám theo ven đê xây dựng nhà cửa dẫn đến giao thông phát triển. Tình trạng vi phạm đê điều ngày càng phát sinh. Đặc biệt, xe quá tải hoành hành khiến một số tuyến đê hư hỏng.
“Trước thực trạng đó, năm 2013, sau khi nâng cấp hệ thống đê, chúng tôi tiến hành cắm các barie hạn chế xe quá khổ, quá tải để bảo vệ đê. Hiện, nhiều barie bị phá bằng các hình thức như xô đổ, xô gãy cột.
Có thời điểm lực lượng chức năng chôn mố bê tông trên đê ngăn xe quá tải nhưng họ lén mang xe cẩu nhổ đi. Khi chôn mố lại, họ lại lén đổ đất làm đường vòng chạy qua. Việc bảo vệ đê gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, tuyến đê Hữu Đào là đê cấp II, đoạn qua xã Tân Thành dài 4km, xã Thắng Lợi 4km, xã Đại Thắng 4km (3 xã trên đều thuộc huyện Vụ Bản).
Theo đó, tuyến đê bị xe quá tải phá hại gây hư hỏng phải tu bổ 3 lần. Lần tu bổ thứ 3 từ năm 2014- 2016, tỉnh đã xin ngân sách Trung ương tiến hành rải đá, đổ bê tông Asphalt được 7km đê Hữu Đào (trong đó có 4 km qua xã Tân Thành).
Trên 7km đê này, Chi Cục Quản lý Đê điều và PCLB Nam Định cắm 6 barie hạn chế xe tải trọng từ 12 tấn trở lên nhằm bảo vệ tuyến đê trước xe quá tải.
“Thiết kế barie được Tổng cục Thủy lợi phê duyệt”
Quyền Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý Đê điều và PCLB Nam Định Đặng Ngọc Thắng thông tin tiếp: “6 chiếc barie có chiều cao 2.45m được dựng trên mặt đê. Có cái rộng 4m, cái rộng 5m tùy từng khu vực đê. Thiết kế barie được Tổng cục Thủy lợi phê duyệt”.
Một xe có tải trọng cho phép không đi qua được barie trên đê Hữu Đào (địa phận xã Tân Thành, huyện Vụ Bản) do chiều cao barie thấp. Ảnh: Đình Việt.
Theo ông Thắng lý giải, sở dĩ, xác định đặt chiều cao barie là 2.45m do đã qua thí nghiệm. Cơ quan chức năng dùng 15 xe tải vận chuyển đá để thực nghiệm, tiến hành đo chiều cao từng xe.
“Có xe khi chất tải lên xe càng thấp xuống, có nhiều xe người ta cải tạo xe thấp nhưng có thể chở được khối lượng lớn”, ông nói.
PV đặt câu hỏi: “Việc xây dựng những chiếc barie trên có được UBND tỉnh đồng thuận hay không? Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh có ý kiến về việc này không?”, ông Thắng khẳng định việc lắp đặt những barie trên theo chỉ đạo của tỉnh, Sở GTVT không có ý kiến về việc này.
Một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý
Tại buổi làm việc, PV thông tin về phản ánh của người dân xã Tân Thành do chiều cao những chiếc barie quá thấp khiến nhiều xe có tải trọng được phép lưu thông trên tuyến đê này (tải trọng dưới 12 tấn) đi lại khó khăn.
Thậm chí, có trường hợp muốn đi qua phải báo trước 1- 2 ngày cho người trông barie để họ mở khóa rất bất tiện.
Trước thông tin này, ông Đặng Ngọc Thắng cho biết, sau khi dựng các barie và lắp biển hạn chế tải trọng Chi Cục Quản lý Đê điều và PCLB đã giao cho các xã quản lý.
“Chìa khóa các barie giao cho địa phương giữ, những xe trong tải trọng cho phép được phép qua, những xe tải trọng cho phép mà chiều cao cao hơn barie phải mở cho họ đi. Trách nhiệm thuộc người quản lý barie và chính quyền địa phương”.
Cận cảnh thông số kỹ thuật tải trọng chiếc xe tải trên. Ảnh: Đăng Trình.
Ông Thắng chia sẻ, công tác quản lý bảo vệ đê điều có một số khó khăn người dân chưa hiểu biết. Cụ thể, dù xe có tải trọng dưới 12 tấn được phép lưu thông nhưng dưới đê Hữu Đào (địa phận xã Tân Thành) có 3 cống thủy lợi quan trọng. Trong đó, 2 cống được xây dựng từ 40-50 năm trước, chỉ chịu tải được từ 8-10 tấn.
Bên cạnh đó, trên tuyến đê không có trạm cân, không có trạm kiểm soát giao thông khó kiểm soát được tải trọng. Nếu không có barie những xe quá tải chở tới vài chục tấn sẽ dễ dàng hoạt động, hậu quả đê sẽ bị tàn phá.
“Lẽ ra phải có kinh phí cho người trông coi barie. Nhiều xã kiến nghị việc này, nhưng quy định không được phép. Đấy cũng là khó khăn cho việc vận hành barie”, ông Thắng nói.
Bị cản trở bởi barie chiếc xe có tải trọng được phép lưu thông trên đê Hữu Đào (tải trọng dưới 12 tấn) buộc phải quay đầu trở lại. Ảnh: Đăng Trình.
Về vấn đề người dân xã Tân Thành thắc mắc có chỗ cắm barie, chỗ trạm xăng dầu không cắm, xe của đơn vị này hoạt động dễ dàng, ông Thắng lý giải trạm xăng dầu trên do Bộ NNPTNT xây dựng để cung cấp xăng dầu cho toàn tỉnh Nam Định.
Đoạn đê trước trạm đã được nâng cấp chịu tải trên 12 tấn. Trạm phải cam kết không được cho xe quá tải đi vào trong trạm để lên đê, nếu để xảy ra vi phạm trạm phải chịu trách nhiệm.
Người đứng đầu cơ quan quản lý đê điều và PCLB tỉnh Nam Định còn cho biết, năm 2014, trước khi cắm barie tỉnh đã có văn bản yêu cầu mời các doanh nghiệp trên địa bàn xã có xe có tải trọng cho phép quá khổ chiều cao so với barie đăng ký với Sở NNPTNT để được cấp phép lưu thông trên đê. Tuy nhiên, không có đơn vị nào đăng ký.
Khép lại buổi làm việc với PV Dân Việt ông Đặng Ngọc Thắng khẳng định sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại công tác quản lý, vận hành các barie trên...
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc…