Dân Việt

Làm giàu ở nông thôn: Lãi 2,3 tỷ từ 17,5ha cam, bưởi và 17ha rừng

Thu Hà 17/08/2017 13:30 GMT+7
Đến xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), hỏi anh Nguyễn Văn Giàu người dân địa phương dí dỏm nói: Ở giữa vùng đất ven sông bạt ngàn mía, thấy lọt thỏm một trang trại lúc lỉu quả ngọt - ấy là nhà anh Giàu. Là người tiên phong đưa giống bưởi Diễn về trồng quy mô hàng hóa ở địa phương, đến nay anh Giàu có đã có tiền tỷ trong tay.

Không trồng bưởi là có lỗi với đất

Chúng tôi đến thăm khi anh Giàu đang ngoài vườn chăm cây bưởi. Nhìn vườn bưởi được trồng thành hàng thẳng đều tăm tắp, cây nào cây ấy lá xanh bóng, quả sai trĩu trịt, chúng tôi thầm nghĩ chắc chắn người đàn ông này phải dành rất nhiều tâm huyết chăm sóc cho vườn bưởi.

img

Anh Nguyễn Văn Giàu (ngoài cùng bên trái) trao đổi kỹ thuật trồng bưởi VietGAP với cán bộ, hội viên nông dân huyện Yên Sơn. Ảnh: Thu Hà

Trước đây tất cả đều do mình mày mò làm, nhưng giờ nông dân cũng phải chuyên nghiệp lên, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới làm được việc lớn”.

Anh Nguyễn Văn Giàu

Vừa khoan thai, nhẹ nhàng vén từng chiếc lá bưởi để kiểm tra, anh Giàu vui vẻ nói: Tính ra đến nay tôi có gần 20 năm gắn bó với cây bưởi. Tôi coi chúng như những đứa con tinh thần của mình. Với tôi, chăm sóc bưởi không chỉ cho thu nhập mà còn tạo niềm vui trong cuộc sống. Tất cả các gốc bưởi trong vườn đều được tôi cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận, đảm bảo các cây, các cành đều có đủ ánh sáng để sinh trưởng và phát triển”.

Bên ấm trà nóng hổi mời khách, anh Giàu chậm rãi kể về cuộc đời và cơ duyên gắn bó với cây bưởi. Sinh năm 1970, trong một gia đình nông dân nghèo đông con nên từ nhỏ anh Giàu đã nếm đủ vất vả. Năm 1994, anh lập gia đình, vốn là con út nên vợ chồng anh sống cùng bố mẹ và làm ruộng tại thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh. Những năm đầu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thiếu thốn, khó khăn trăm bề.

img

Anh Nguyễn Văn Giàu (phải) giới thiệu về 1 trong những cây bưởi Diễn cho năng suất, chất lượng cao trong trang trại. Ảnh: Quang Hòa.

 “Âu cũng là do lúc đầu mình không biết cách làm ăn. Nhà có 4 khẩu ăn với diện tích 2,5ha đồi nhưng chẳng biết trồng cây gì nên cứ bỏ hoang. Còn bản thân mình bám vào sông nước chạy thuyền, sau đó thì vay mượn mua xe ô tô để kinh doanh, rồi nuôi bò, nuôi lợn… Dần dà cuộc sống cũng thoải mái hơn, không còn quá khó khăn nhưng nói thật cũng không dư dật được nhiều. Bố mẹ đặt tên tôi là Giàu, nên tôi nghĩ phải cố gắng để làm giàu”- anh Giàu tâm sự

Năm 2000, trong một lần đến chơi nhà bạn ở Cầu Diễn (Hà Nội), anh Giàu được mọi người mời ăn bưởi. Quê anh nhiều bưởi, nhưng đây là lần đầu tiên anh được ăn múi bưởi vừa ngọt, mát dịu và ngon đến thế. Anh thầm nghĩ, sau nhà mình có mấy quả đồi bỏ hoang bao năm nay, mình mà không trồng bưởi ở đó là…có lỗi với đất. Thế là sau chuyến đi chơi xa, anh mua 20 cành bưởi Diễn về trồng thí điểm. Ngày ngày anh cần mẫn chăm sóc, nhất là khô hạn, nắng nóng, anh Giàu phải gánh cả thùng nước tưới cho cây. Cây mới về đất lạ nên không phục công người chăm sóc, 20 cây bưởi giống thì cả 20 cây đều bật mầm sống xanh tươi, chả hao hụt cây nào.

Bắt đất cằn cho tiền tỷ

Năm 2001, anh quyết định mua thêm 700 cây bưởi giống đúng đất Diễn nữa về trồng. Lần này rút kinh nghiệm, làm đất trồng đến đâu, anh đào ngầm hệ thống ống dẫn nước, xây trụ bơm nước đến đấy. Quyết định đầu tư hết số tiền vốn vào trồng bưởi mà lại chưa cho thu hoạch nên anh bị người thân trong gia đình ra sức can ngăn, không cho mua thêm giống, mở thêm đất nữa.

img

Anh Nguyễn Văn Giàu (giữa) cho biết, năm 2016, lãi ròng từ trang trại trồng bưởi Diễn đạt 1,8 tỷ đồng.

Khó khăn là vậy, nhưng anh Giàu vẫn quyết tâm làm cho kỳ được. Đến năm thứ 3, cây bưởi bắt đầu bói quả. Đến giờ, anh Giàu vẫn còn nhớ như in cái cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên hái trái bưởi mới bói xuống ăn thử. Quả bưởi màu vàng, vỏ mỏng, múi nhiều nước, ăn có vị ngọt mát, không ngọt sắc.

Từ thành công ban đầu anh Giàu tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi từ 2ha lên 5ha, rồi đến bây giờ là hơn 11ha. Anh Giàu bảo, từng là dân buôn bán nên bắt tay vào việc gì anh cũng có thói quen hạch toán, lên kế hoạch lâu dài. Anh tính toán, những năm 2004 – 2005, giá bưởi chỉ có 6.000 – 7.000 đồng/quả, nhưng cứ 100 gốc bưởi cho quả, vốn đầu tư của anh chỉ mất dăm gốc, phần còn lại là lãi nên anh không ngần ngại gì không nhân rộng ra. Thế là sau mỗi vụ thu hoạch, vợ chồng anh lại dồn tiền mua đất đồi tiếp tục mở rộng trang trại

Để chuyên nghiệp việc trồng cây ăn quả, anh đưa máy cuốc vào làm đất để đảm bảo đất có đủ độ tơi xốp, ngầm hóa ống dẫn nước và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho trang trại theo quy mô mỗi khoảnh 1 cây tưới. Ngay cả việc phun thuốc cho vườn, anh cũng đưa lên máy cuốc, đến khoảnh nào phun thuốc đến đấy. Anh Giàu bộc bạch: “Trước đây tất cả đều do mình mày mò làm, nhưng giờ nông dân cũng phải chuyên nghiệp lên, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới làm được việc lớn”. Đến nay, anh Giàu đã có hơn 16ha cây ăn quả (gồm 11ha bưởi, 3ha cam Vinh, 2ha thanh long ruột đỏ, 1,5ha cam Canh) và 17ha rừng...

Anh Giàu tiết lộ, năm 2016, thu nhập sau khi trừ chi phí của các loại cây ăn quả của gia đình lên đến 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ rừng cũng cho anh xêm xêm thêm 500 triệu đồng mỗi năm. Nhiều người nói anh là tỷ phú thôn Ao Dăm, tỷ phú xã Phúc Ninh, hay anh Giàu làm giàu từ bưởi Diễn

Từ cách làm của anh Giàu, những anh em và bà con lối xóm thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh cũng noi gương anh phát hoang và trồng bưởi. Giờ cây bưởi Diễn lan ra cả một vùng rộng lớn-vùng bưởi Phúc Ninh. Ở Tuyên Quang, bưởi Diễn Phúc Ninh đã trở thành thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng.

Ông Vũ Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh phấn khởi khoe, hiện giờ địa phương có 210ha bưởi, phần lớn là bưởi Diễn, trong đó có hơn 100ha đã cho thu hoạch. Đặc biệt, tháng 4.2016, cây bưởi Diễn Phúc Ninh đã chính thức được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

“Hiện nay, Sở NNPTNT tỉnh cũng đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho các hộ trong xã, nhằm canh tác bền vững, cho chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng bưởi, anh Giàu là 1 trong những thành viên tích cực hưởng ứng và hướng dẫn các hộ dân trong xã trồng bưởi theo hướng VietGAP” - ông Vũ Thành Trung khẳng định.