Dân Việt

Vụ BOT Cai Lậy: Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng bức xúc

Hữu Ký 18/08/2017 08:44 GMT+7
Dù Bộ GTVT đã quyết định giảm phí dịch vụ qua trạm thu phí BOT Cai Lậy nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa hoạt động trên tuyến vẫn cũng tỏ ra chưa hài lòng bởi mức phí còn quá cao, gây khó cho doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa hoạt động trên tuyến TP.HCM - các tỉnh Miền Tây tỏ ra bức xúc khi trạm thu phí BOT Cai Lậy thu phí quá cao và vị trí đặt trạm chưa hợp lý. Các doanh nghiệp cho biết tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12km nhưng mức phí cao ngất ngưởng, thậm chí cao hơn nhiều so với đường cao tốc. Chiều 16.8, Bộ GTVT đã quyết định giảm mức phí dịch vụ tại trạm này nhưng các doanh nghiệp cho rằng con số giảm không đáng kể, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng. 

Ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Trưởng Lợi cho hay trạm BOT Cai Lậy thu phí quá cao,  ngay từ khi bắt đầu thu (1.8.2017) các doanh nghiệp rất bức xúc. Dù Bộ GTVT quyết định giảm giá dịch vụ qua trạm nhưng vẫn chưa hợp lý Theo ông, với tuyến đường tránh 12km chỉ nên thu 12.000 đồng (1.000 đồng/km) đối với các xe tải nhỏ, du lịch hay khoảng gần 50.000 đồng với xe đầu kéo là hợp lý. Ông cho hay các loại xe đầu kéo của doanh nghiệp ông việc đóng phí luôn cao hơn các phương tiện khác từ phí BOT đến phí bảo trì đường bộ. Với khoảng cách tuyến đường tránh Cai Lậy ngắn như vậy thì không nên để mức phí quá cao.  

Với góc độ là doanh nghiệp ông cho biết việc dùng tiền lẻ qua trạm thu phí không hề có lợi nhưng có lúc cần phải như vậy để phản ánh về điều bất hợp lý. Ông cũng tỏ ra mất lòng tin khi doanh nghiệp nhiều lần gửi văn bản lên các bộ, ngành để giải quyết thì nhận được các giải thích dựa theo các trích dẫn của thông tư, nghị định…Các giải thích đó có căn cứ, không sai nhưng doanh nghiệp cảm thấy chưa thỏa đáng nên họ “nản” không muốn phản ánh nhiều.

img

Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang

Tương tự chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container hoạt động trên tuyến này cho hay mỗi năm doanh nghiệp ông đóng phí bảo trì đường bộ là 17,1 triệu đồng/ 1 đầu kéo/năm. Thời điểm này hoạt động vận tải hàng hóa rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp đã khốn khổ vì trạm thu phí BOT bủa vây khắp nơi. Do đó doanh nghiệp khó tránh khỏi bức xúc khi qua trạm BOT Cai Lậy.

Tuy nhiên theo ông, việc phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ qua trạm không phải cách hay. Doanh nghiệp nằm trong tổ chức hiệp hội nên các kiến nghị này cũng đều phải tuân thủ thông qua tổ chức. Hiện doanh nghiệp ông cũng như một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa khác đang chờ các thông tin từ Hiệp hội. 

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết Hiệp hội đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ hội viên về trạm BOT Cai Lậy thu mức phí qua trạm quá cao, vị trí đặt trạm cũng chưa hợp lý. Tuy nhiên Hiệp hội chưa có kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề này. Tại Tiền Giang cũng có hiệp riêng để thực hiện điều đó nhưng Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vẫn chưa nắm được thông tin. Để bảo vệ quyền lợi hội viên, trước đây Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT, Bộ Tài Chính xem xét giải quyết những bất cập về hạ tầng giao thông trong khu vực, cũng như các quy định khác.

Ông Chánh cho biết thêm cước phí vận chuyển hàng hóa, phí BOT…đã được doanh nghiệp vận tải tính toán đưa vào hợp đồng. Việc phải chịu mức phí BOT quá cao sẽ buộc doanh nghiệp phải tính toán lại về giá cước vận chuyển. Khi chịu phí cao doanh nghiệp buộc đẩy giá dịch vụ lên và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. 

Trong khi đó trả lời báo Dân Việt, ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Tiền Giang (hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang) thông tin Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã chỉ đạo Hiệp hội vận tải ô tô Tiền Giang làm báo cáo về vụ việc liên quan đến trạm BOT Cai Lậy. Ông cho biết có tình trạng phản ứng trạm BOT Cai Lậy và cũng có một số ý kiến lên hiệp hội. Ông cho biết đang làm báo cáo chi tiết khi có thông tin mới sẽ cung cấp cho phóng viên. 

Trước đó, chiều 16.8 Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) thông báo sẽ áp dụng giảm giá dịch vụ cho các phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy trong những ngày tới. Theo đó Bộ quyết định giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm (mức giá dịch vụ sau khi giảm: Loại 1 là 25.000 đồng; Loại 2 là 35.000 đồng; Loại 3 là 40.000 đồng; Loại 4 là 70.000 đồng; Loại 5 là 140.000 đồng. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này). Thời gian áp dụng: từ ngày 21.8.2017.

Bộ GTVT cũng quyết định giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện Loại 1 và Loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải); giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt của hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng: các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện để áp dụng trước ngày 10.9.2017.

Tại buổi họp báo chiều 17.8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng trạm thu phí BOT Cai Lậy hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án. Quá trình lập, phê duyệt dự án, đầu tư trạm thu phí Cai Lậy đã được nghiên cứu kỹ và được Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, chính quyền địa phương đồng ý. Do trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án nên sẽ không di dời trạm. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ họp thêm với chủ đầu tư, các cơ quan liên quan, điều chỉnh phương án tài chính nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân.

Đại diện Bộ GTVT khẳng định chủ trương BOT là để thu hút nguồn lực của tư nhân nên Nhà nước sẽ không mua lại trạm thu phí BOT. Các “lùm xùm” xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy không phải là trường hợp đầu tiên, có nhiều trạm chưa nhận được đồng thuận của người sử dụng, người trả phí. Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát toàn bộ các trạm trên toàn quốc để điều chỉnh phương án cho hợp lý. 

Trong khi đó liên quan đến việc xử lý các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm, đại diện Bộ GTVT cho biết vẫn chưa thấy có dấu hiệu hình sự. Trong thời gian tới tại đây sẽ áp dụng đặt hệ thống thu phí tự động để thuận tiện cho người dân và cả chủ đầu tư.