Giá cà phê hôm nay (17.8) đang chững lại sau khi trải qua 2 phiên giảm sâu. Ảnh minh họa
Giá cà phê đã qua cơn "sốc" giá?
Phiên trước, thị trường cà phê thế giới chao đảo theo chỉ số hàng hóa vĩ mô sụt giảm liên tiếp, khiến thị trường cà phê trong nước biến động mạnh. Giá cà phê hôm nay (17.8) đã chặn được đà giảm và đang duy trì xu hướng đi ngang. Theo đó, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay đang ở mức 43.200 - 43.300 đồng/kg, không đổi so với hôm qua.
Giá cà phê tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai cùng ở mức 43.900 đồng/kg; giá cà phê tại Đắk Nông và Kon Tum hiện cùng giao dịch ở mức 44.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại cảng TP.HCM giá cà phê robusta xuất khẩu theo giá FOB phiên 17.8 đã tăng nhẹ 1 USD, chốt tại 1.968 USD/tấn, mức trừ lùi 90 USD/tấn.
Giá cà phê hôm nay 17.8 không đổi so với hôm qua. Nguồn: tintaynguyen.com
Thị trường đang dấy lên mối lo mới khi các báo cáo thời tiết từ Brazil cho thấy một số vùng trồng cà phê chính ở Sao Paulo và miền nam Minas Gerais sẽ có mưa sớm trong tuần này. Theo các nhà nông học, mưa sớm sẽ làm cây cà phê bung hoa sớm nhưng lứa hoa này sẽ khó giữ khi Brazil vào mùa mưa chính thức giữa tháng 9, những đợt mưa lớn kéo dài thường làm lứa hoa này bị thối.
Trong khi Viện Địa lý Thống kê Brazil (IBGE) vừa điều chỉnh dự báo vụ mùa năm nay tăng, trong đó cà phê Arabica tăng 550.000 bao lên 37,2 triệu bao và cà phê Robusta tăng 150.000 bao lên 10 triệu bao. Dự báo của IBGE thường được cho là khá thấp so với dự báo của CONAB. Đồng thời, một số nông dân Brazil cho biết, theo họ dự kiến sản lượng vụ mùa năm tới 2018 sẽ rất khả quan.
Tại Việt Nam, cây cà phê đang là loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế lớn nhất cho cả khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, việc tái canh, thay thế diện tích cà phê già cỗi không đạt tiến độ yêu cầu có ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của khu vực. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách tín dụng ưu đãi và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho tái canh cà phê, nhưng do nhiều bất cập, đến nay người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng này.
Người trồng cà phê mong rằng những bất cập sẽ sớm được giải quyết để giúp hàng nghìn nông hộ ở Tây Nguyên tiếp tục tái canh vườn cà phê của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu tái canh 150.000 ha cà phê trên địa bàn trong những năm tới.
Giá tiêu vẫn quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg
Giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại phía Nam hầu như không đổi tại các điểm thu mua, vẫn ở quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg. Trong khi tại Đồng Nai, giá hồ tiêu hôm nay tăng thêm 1.000 đồng/kg so với ngày 16.7. Ngược lại, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá hồ tiêu hôm nay lại bị giảm 1.000 đồng/kg, còn 91.000 đồng/kg.
Hiện giá thu mua hồ tiêu tại thị trường trong nước đang dao động trong khoảng 88.000 – 91.000 đồng/kg.
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu giao ngay tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua nhờ nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung hạn hẹp. Giá hồ tiêu xuất khẩu của Ấn Độ là 8.100 USD/tấn sang châu Âu và 8.350 USD/tấn sang Mỹ.
Dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta vẫn tăng trưởng tốt, song trước những yêu cầu của thị trường, việc áp dụng các quy chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để sản xuất hồ tiêu bền vững đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Từ thực tế đó, nhiều hộ nông dân trồng tiêu đã chuyển sang sản xuất tiêu sạch, bước đầu giúp hồ tiêu Việt Nam có thể xâm nhập và đứng vững ở nhiều thị trường khó tính.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2017, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã dự báo tình hình xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là ở thị trường Mỹ và EU.
Mới đây, VPA có đưa ra cảnh báo về việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước. Sau khi tìm hiểu thông tin và tổng hợp báo cáo của VPA, cũng như Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước, Bộ Công Thương nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật cho mặt hàng hồ tiêu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung.