Những ngày tháng 8 này, khi học sinh ở nhiều địa bàn tỉnh Sơn La ríu rít tựu trường thì cũng là lúc các thầy, cô giáo lại chia tay gia đình, người thân, đi làm nhiệm vụ "lái đò" trên các xã vùng cao.
Người các thầy cô dính đầy bùn đất, đang tranh thủ nghĩ giữa đường chuẩn bị sức đẩy xe lên dốc.
Thầy giáo trẻ Đinh Văn Nam (mới vào trường Chiềng Nơi công tác được 1 năm), đang ngồi nghỉ giữa đống bùn đất, do vừa dồn hết sức cho công việc đẩy xe vượt dốc.
Cô giáo trẻ Mè Thị Mai là giáo viên dạy môn Lịch sử, Địa lý tại Trường THCS Chiềng Nơi, tâm sự: “Lý do tôi gắn bó với ngôi trường xa xôi này ban đầu đơn giản chỉ là vì cuộc sống, đó là khi mới ra trường, do hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn nên tôi nghĩ phải cố bám lấy trường. Nào ngờ về sau, tôi cảm giác không thể xa và sống thiếu ngôi trường này được".
Cung đường đoạn qua chỗ rừng thông, thật sự trở thành nỗi khiếp sợ đối với các thầy cô mang con chữ lên vùng cao.
Chiềng Nơi là một trong những trường vùng cao khó khăn nhất của huyện Mai Sơn, cách trung tâm huyện lỵ tới 140km. Đường đến Chiềng Nơi dù là mùa nắng thì cũng luôn thách thức mọi tay lái.
"Tuy đời sống rất khó khăn nhưng mọi người ở đây thương nhau lắm, sống rất tình cảm. Chỉ có ai gắn bó lâu với ngôi trường mới hiểu và cảm nhận được tình người ở đây. Đặc biệt, học sinh ở Chiềng Nơi rất ngoan và chăm chỉ” - cô giáo Mai bảo vậy.
Con đường đi bộ đã khó. Nếu là mùa mưa, xe máy muốn vượt dốc phải có ít nhất 2 đến 3 người đẩy mới qua được.
Không chỉ có dốc cao, vực sâu, đường đến Chiềng Nơi còn có rất nhiều vắt. Thứ "Đỉa rừng" này từng làm không ít người khiếp sợ bởi mật độ dày đặc và sự lì lợm của chúng.
“Hôm nay, do đường trơn trượt quá, tôi và cô giáo Hà Thị Huệ mải đẩy xe giúp các thầy cô khác. Khi dừng lại rửa chân tay thấy chân chảy máu, nhìn lại thì thấy con vắt ăn no máu, to bằng ngón tay đang bám ở bắp chân" - cô giáo Mai vừa kể vừa rùng mình.
Do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày hôm nay con đường vào điểm trường biến dạng thành nhiều rãnh.
Thầy Nguyễn Quang Hải – Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú – THCS xã Chiềng Nơi, đã công tác được 12 năm tại trường tâm sự: “Ai đó vào công tác tại xã Chiềng Nơi, nếu không có lòng yêu nghề, không có trách nhiệm thì khó lòng mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhưng không chỉ người đi công tác mà đòi hỏi người thân, bạn bè cũng phải hết sức cảm thông thì người vào Chiềng Nơi mới an tâm làm nhiệm vụ.
Giáo viên ở đây, tiếng là nhà ở ngay trong một huyện nhưng có khi mấy tháng mới về nhà một lần. Dạy học ở Chiềng Nơi nhiều lúc nghĩ như mình đang đi bộ đội. Giáo viên vùng cao gian nan, vất vả lắm!”.