Gia đình ông Phan Dinh ở xóm 26/3, xã Tân Thắng có 6,7 ha trồng sở. Ông Dinh cho biết: Sở là loại cây sống lâu năm, có tuổi thọ lên đến 70 tuổi, rất dễ trồng, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Mỗi năm chỉ cần bón một lần phân NPK và phát 2 đợt cỏ. Nếu chăm sóc tốt, sản lượng đạt đến 2 tấn/ ha.
Sau khi thu hoạch, các thương lái ở huyện Nghĩa Đàn và tỉnh Thanh Hóa đến thu mua với giá dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/ kg. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, hạt sở được người dân thu mua, vận chuyển đi buôn bán ở các nước Trung Quốc, Đài Loan nên giá tăng lên 25.0000 đồng/ kg; sau khi trừ tất cả các khoản chi phí từ phân bón, công lao động, gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng mỗi năm.
Toàn xã Tân Thắng hiện nay có 30 ha sở, mỗi năm cho địa phương thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Diện
Toàn xã Tân Thắng hiện có 30 ha cây sở được trồng theo dự án trên đất lâm nghiệp, còn một số diện tích là của công nhân viên Công ty Lâm trường Quỳnh Lưu, sau khi giải thể đã bán lại cho các hộ gia đình. Đây là loại cây chỉ cần một lần trồng, thu hoạch quả đều đặn trong hàng chục năm nên đem lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, cây sở còn có tác dụng giữ ẩm cho đất, bảo vệ môi trường, nguồn nước và còn phòng hộ rất tốt. Do vậy, để giữ vững rừng sở hiện nay đối với những cây cho năng suất thấp các hộ trồng tiến hành đốn ngang và chăm sóc cho cây lên mầm, sau 3 năm sau lại tiếp tục ra quả. Hàng năm vào tháng 11, 12 dương lịch quả sở chín, rụng xuống đất và tự nứt hạt thì các gia đình thuê nhân công lao động, đặc biệt là tạo điều kiện cho các trường học đi nhặt hạt giúp họ gây quỹ hoạt động.
Hoa và quả sở trông giống với cây chè xanh. Ảnh: Hồng Diện
Theo nhân dân địa phương, quả sở chưa bao giờ tồn đọng, thu hoạch đến đâu được thương lái mua ngay tại chỗ về để ép dầu ăn, còn bã sở thì dùng làm xà phòng. Hiện nay, sở vươn ra thị trường nước ngoài nên giá cả rất cao, đỉnh điểm lên đến 28.000 đồng/kg. Mỗi năm, địa phương bán ra khoảng 60 tấn hạt sở, trị giá 1,5 tỷ đồng; trồng sở có hiệu quả kinh tế nên một số hộ dân đã chủ động ươm hạt để mở rộng diện tích.
Theo ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng: Cây sở cho thu nhập khá đối với một số hộ dân ở địa phương. Chính vì vậy, xã tiếp tục động viên bà con tăng cường công tác chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Đồng thời tìm hiểu và đưa giống sở cho hạt to, quả nhiều, sản lượng và chất lượng cao về địa bàn để mở rộng thêm diện tích.
Khi quả sở chín rụng xuống đất, sau khi khô tách hạt ra thì người trồng mới tiến hành thuê nhân công đi nhặt hạt. Ảnh: Hồng Diện
Hiện cây sở đang được các hộ dân ở xã Tân Thắng chú trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ bởi không những giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà theo họ còn có một số tác dụng như rễ cây dùng để trị đau dạ dày, bong gân; rễ và vỏ kết hợp dùng trị sái chân… nên rất tiện dụng khi cần thiết.