Bkav và Thế Giới Di Động (TGDĐ, nhà bán lẻ độc quyền chương trình đặt hàng trước) không thể không biết mức giá 9,789 triệu đồng của Bphone 2017 quá cao so với chính nó, cũng như với các sản phẩm có cùng cấu hình của những thương hiệu khác. Phải chăng Bkav và TGDĐ đang “âm mưu” điều gì đó?
Ông Trần Kinh Doanh của Thế Giới Di Động trong vòng vây của báo chí trả lời về hợp tác với Bkav trong vụ Bphone 2017.
TGDĐ đóng vai người hùng?
Điểm khác biệt của lần ra mắt Bphone 2017 là có TGDĐ tham gia với tư cách là nhà bán lẻ độc quyền chương trình đặt hàng trước (pre-order) tại thị trường Việt Nam. Với Bphone 2017, theo lời ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc kinh doanh ngành hàng di động, TGDĐ chỉ tham vấn về giá. “Nhưng giá Bkav công bố là quyết định của họ”, ông Hiểu Em nói.
TGDĐ thừa hiểu rằng, với cấu hình, uy tín, độ ổn định sản phẩm…, Bphone 2017 có mức giá 9,789 triệu đồng sẽ rất khó bán. Nhưng TGDĐ vẫn tham gia, phải chăng họ muốn thể hiện vai trò “người hùng” trong việc đồng hành với một thương hiệu Việt đang “nổi tiếng” như Bkav, và là “nhà bán lẻ có tâm khi đồng hành cùng với Bkav”, như lời đánh giá của phó chủ tịch Bkav Ngô Tuấn Anh?
Bình luận về hiện tượng này, một chuyên gia bán lẻ điện thoại có góc nhìn khác: “Có thể TGDĐ đang thử nghiệm mức độ uy tín của thương hiệu trong bán lẻ: hễ hàng hoá nào xuất hiện tại TGDĐ đều đủ uy tín để thuyết phục người tiêu dùng như cách mà Walmart, eBay hay Amazon đang làm. Nếu không thành công, họ cho rằng giá của nhà sản xuất cao quá. Nếu bán được hàng, họ khẳng định uy tín trong bán lẻ”.
Tại buổi ra mắt Bphone 2017, trước 2.000 khách mời, tổng giám đốc TGDĐ Trần Kinh Doanh tỏ vẻ hoan hỉ: “Với Bphone 2017, TGDĐ sẽ có một chiếc smartphone Việt Nam để kinh doanh”. Có thể đó là một phát biểu mang tính xã giao, có thể đó là một lời nói thật đi kèm với những điều kiện mà người ngoài không thể biết. Một nguồn tin riêng cho biết, với Bphone 2017, TGDĐ không cam kết về số lượng đặt hàng, cũng như chuyện bán hàng về sau.
Bkav “âm mưu” gì đây?
Câu chuyện Bphone 2017 đã được Thế Giới Tiếp Thị thăm dò với giới kinh doanh, tiếp thị nhóm hàng smartphone tại Việt Nam, để hầu tìm ra lời giải thích thoả đáng với hiện tượng này.
Ông Trần Việt Quân, nguyên phụ trách tiếp thị của một thương hiệu smartphone Việt, nói: “Bkav đã quá tự tin với chính mình và thị trường. Với Bphone 2017, ở phương diện tiếp thị, tôi không định vị được “chất” là như thế nào. Ở phương diện bán hàng, không hình dung được cách Bphone 2017 sẽ đấu ra sao ở TGDĐ, nơi mà Oppo và Samsung không dễ gì cho một tay chơi mới nhảy vào giành thị phần ở phân khúc 10 triệu đồng”.Giám đốc Mobiistar Ngô Nguyên Kha có lời bình luận, dẫu bâng quơ nhưng đầy thâm ý: “Làm điện thoại cũng giống như vận hành chuỗi các giá trị mà công đoạn quan trọng nhất là nghiên cứu, tìm hiểu về khách hàng. Cố nhồi nhét nhiều tính năng vào sản phẩm, nhưng doanh số kém cũng coi như thua”.
Ông Huỳnh Thanh Phi đã từng nhiều năm làm giám đốc tiếp thị cho một hãng điện thoại trong nước nói rằng, khó đoán “âm mưu” của anh Quảng và Bkav khi nhảy vào mặt hàng smartphone. “Bkav không theo bài bản tiếp thị nào cả. Với phiên bản Bphone đầu tiên, dù kinh doanh thất bại nhưng về chiến lược tiếp thị đã tạo được tiếng vang và những bài học. Nhưng, Bphone 2017 không thừa hưởng gì ở Bphone 1 cả. Việc Bkav làm smartphone, có lẽ họ muốn xã hội công nhận “một hãng công nghệ của Việt Nam lần đầu tiên sản xuất thành công smartphone ở trong nước”.
Ông Nguyễn Sĩ Pháp, chủ thương hiệu Masstel, đưa ra nhận xét: “Anh Quảng thật bản lĩnh khi ra Bphone 2017 nhưng với mức giá đó, một lần nữa cho thấy anh ấy và Bkav quá liều lĩnh trên thương trường!”. Ông Nguyễn Đạt, giám đốc công ty Techmag, cho rằng Bkav định vị Bphone 2017 vào phân khúc giá cao cấp, nhưng sản phẩm chưa tương đương với giá trị đó. “Họ không bán lẻ nên hoang tưởng về sản phẩm trên thương trường. Bkav sẽ thất bại một lần nữa với Bphone 2017”, ông Đạt nói.
Nhìn lạc quan hơn, theo lời ông Kha, “những tay chơi như Bkav vừa là áp lực, nhưng cũng là nguồn năng lượng tích cực để các thương hiệu cùng vươn lên ở một thị trường di động khó tính như Việt Nam”.
Ông Quảng nhiều lần khẳng định “quyết tâm sản xuất một chiếc smartphone bằng chất xám Việt”. Nhưng với cách định hướng, định giá sản phẩm như vậy, kết cục thất bại đã nhìn thấy trước, trong tình cảnh Bkav không còn là “triệu phú… đôla Mỹ”!
Sau khi kết thúc sự kiện ra mắt, lúc 13g cùng ngày (8.8.2017), Thế Giới Di Động đã “phát lệnh” chạy chương trình pre-order cho Bphone 2017 với những ưu đãi: tặng SIM 4G của Viettel trong sáu tháng (7GB/tháng), phiếu mua hàng trị giá 500.000đ, ốp lưng và trả góp 0%. Qua sáu ngày pre-order, từ 13g ngày 8 đến 10g ngày 14.8.2017, có 6.771 khách hàng tham gia. Trong đó, 391 khách hàng đặt cọc với số tiền 500.000đ/đơn hàng! Sáng ngày 19.8.2017, Bphone 2017 sẽ được giao cho khách hàng. |