Dân Việt

Tinh trùng bất động, liệt nửa người vẫn có con

Diệu Thu 19/08/2017 18:55 GMT+7
Hai vợ chồng cùng liệt nửa người, tưởng chừng không thể có con nhưng sau những lần nỗ lực, cùng sự hợp tác của các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội họ đã có một bé trai.

img

Vợ chồng chị Trương Thị Hà, anh Lê Văn Năm không giấu nổi cảm xúc khi có đứa con

Đường con cái chẳng ai có thể… xe duyên

Tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012-2017), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2017” diễn ra ngày 19/8, chúng tôi đã chứng kiến cảm xúc của những gia đình hiếm muộn khi có được đứa con sau bao năm tháng mong mỏi.

Câu chuyện của vợ chồng chị Trương Thị Hà, anh Lê Văn Năm trú tại Hà Nội, điều trị vô sinh tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội điều trị khiến chúng tôi cảm động.

Vợ chồng anh Năm không giấu nổi cảm xúc khi chia sẻ về cuộc sống của vợ chồng anh khi đón nhận đứa con “đặc biệt”.

May mắn, anh Năm gặp được chị Hà, là người cùng cảnh ngộ, hai người tổ chức đám cưới. Chị Hà cũng liệt nửa người.

Cuộc hôn nhân đến với nhau nhờ tình yêu và họ muốn có một đứa con nhưng gặp chút khó khăn. Cặp vợ chồng này quyết định đến bệnh viện chữa vô sinh hiếm muộn đã được các bác sĩ phân tích những khó khăn khi có con nhưng họ vẫn quyết tâm xin điều trị. Bằng “phép màu”, cặp vợ chồng ấy vẫn có thể có con, đem lại niềm hy vọng cho cả gia đình.

“Chuyện tình duyên là do trời định, nhưng đường con cái, có lẽ chẳng ai có thể “xe duyên”, tất cả là nhờ vào sự tận tâm của các bác sĩ, sự tiến bộ của y học hiện đại và cho đến bây giờ tôi vẫn đang lâng lâng tận hưởng hạnh phúc ấy”, anh Năm chia sẻ.

Anh Năm nhớ lại ngày đầu tiên, vợ chồng anh ra bệnh viện, lo lắng, suy nghĩ không biết sẽ ra sao. Rồi cả khi bác sĩ thông báo tinh trùng của anh chết và nằm bất động, bị dị dạng nên xác xuất không cao. Nghe tin đó, vợ chồng anh buồn chán.

Dường như đọc được tâm lý lo lắng của cặp vợ chồng này, bác sĩ Lê Thị Hiền - Phó GĐ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn đã nhanh chóng lại trấn tĩnh, động viên và chia sẻ cả những câu chuyện thành công của các ca khác, khiến vợ chồng anh Năm ấm lòng và tin tưởng.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, chuyên khoa Vô sinh hiếm muộn – Phó Giám đốc Bệnh Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng nhớ lại những giọt nước mắt nghẹn ngào của người bà, nụ cười run rẩy của người cha khi đứa con được đặt vào lòng vợ chồng anh trên xe lăn.

Theo bác sĩ Hiền, quan niệm người liệt “không làm ăn” gì được coi như vô sinh là hoàn toàn không chính xác. Với các kỹ thuật hiện đại như hiện nay, những người bị liệt sau tai nạn hoặc liệt từ nhỏ cũng đừng mất hy vọng làm cha.

Tuy nhiên, các bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Như vậy,  cơ hội lọc tìm được những “con giống” khoẻ mạnh để sinh con khoẻ càng lớn hơn.

Hơn 60% người hiếm muộn vẫn được làm cha mẹ

Theo bác sĩ Hiền, trong điều trị vô sinh – hiếm muộn, tỷ lệ thành công chiếm khoảng hơn 60%. Vẫn còn hơn 30% cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn y học đành “bó tay” mà không tìm được nguyên nhân.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khuyến cáo, các cặp vợ chồng nên đi khám tiền hôn nhân, khám càng sớm, càng tốt. Nếu tìm ra nguyên nhân lúc tuổi còn trẻ, điều trị vô sinh sẽ đỡ tốn kém hơn.

Ngoài ra, nếu các cặp vợ chồng biết mình có các vấn đề tiền sử quai bị, hoặc người vợ bị rối loạn kinh nguyệt thì nên đi kiểm tra trước.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi, ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được các trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên cả nước áp dụng, giúp hàng chục nghìn cặp vợ chồng không may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha, làm mẹ.

Trong đó, trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới. Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng.

Trong đó, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội là một trong nhiều đơn vị áp dụng thành công kỹ thuật này.

“Những thành tựu đạt được trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi các bác sĩ. Bên cạnh đó, việc gặp những trường hợp khó càng thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn nữa để mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng không may mắc hiếm muộn. Vì chúng tôi hiểu rằng, làm cha, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, là khát khao của mọi cặp vợ chồng”, BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi chia sẻ.

Xuất tinh ngược và nguy cơ hiếm muộn

Xuất tinh ngược là một nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn ở nam giới.