Vụ việc mới nhất là ở huyện Đắk Hà, Kon Tum, cơ quan chức năng đã xác nhận có tình trạng “xã hội đen” đe dọa thương lái, nông dân mua bán chanh dây với giá thấp.
Thủ đoạn của thương lái nhằm ép giá nông dân là thuê các đối tượng “xã hội đen” để cảnh cáo, uy hiếp, đe dọa người dân và các thương lái ở xa đến mua bán nông sản. Các đối tượng này hăm dọa nếu không bán cho họ thì tất cả nông sản trên địa bàn không được ai đến thu mua, ai làm trái thì sẽ bị xử. Việc bị côn đồ “chặn cửa” vào địa bàn thôn, xã khiến các tiểu thương không dám đến thu mua làm cho nông dân rất bức xúc, lo lắng.
Tình trạng các đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đòi tiền bảo kê, đòi chia sản phẩm hoặc cạnh tranh trong sản xuất về nông nghiệp cũng xảy ra ngày càng nhiều, khá phức tạp. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không tìm ra kẻ phá hoại, kẻ chủ mưu, phần lớn các vụ việc “chìm vào quên lãng”, nhất là các vụ việc phá hoại nhỏ, thiệt hại ít mang tính chất “dằn mặt”, hăm dọa gây bức xúc cho người dân, dư luận xã hội.
Ảnh minh họa. I.T
Có thể nói đây là hành vi hết sức nghiêm trọng không những gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người nông dân, bộ phận chiếm số đông và đang còn rất khó khăn hiện nay. Mặt khác, có thể phát sinh các hệ lụy tiêu cực khác như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ trương khuyến khích người dân đầu tư nhiều vào nông nghiệp... Nguy hại hơn là mất niềm tin của người dân đối với sự quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật.
Thiết nghĩ rằng cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này. Theo đó, không chỉ có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các đối tượng “xã hội đen” mà phải xử lý cả thương lái cạnh tranh, buôn bán không lành mạnh là những kẻ chủ mưu, đứng ra thuê chúng đe dọa, ép giá nông dân một cách công khai, trắng trợ, coi thường pháp luật như thời gian vừa qua.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.