Dân Việt

Bắt đầu từ cải cách ngân sách

05/10/2011 17:18 GMT+7
(Dân Việt) - Tái cấu trúc nền kinh tế là một chủ đề đang được “hâm nóng” lại trong thời điểm nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. NTNN có cuộc trao đổi với PGS - TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN về chủ đề này.

Thưa ông, vì sao lại phải đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế trong thời điểm này?

- Sau nhiều năm đạt được thành tích tăng trưởng được coi là khá ngoạn mục, trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với yêu cầu gay gắt phải “chỉnh sửa căn bản” để thoát khỏi tình trạng nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng “đình trệ - lạm phát cao”.

img
Các tập đoàn kinh tế lớn cũng sẽ nằm trong lộ trình tái cấu trúc.

Yêu cầu tái cấu trúc đã được diễn đạt thành một công thức hành động rõ ràng tại Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

img
PGS - TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Trên phương diện kinh tế, các chuyên gia kinh tế đánh giá mô hình hiện tại như thế nào?

- Để thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, trước hết phải nhận diện chính xác thực chất và hậu quả của nó. Động cơ tăng trưởng trong mô hình hiện tại là chủ nghĩa thành tích và các lợi ích cục bộ, ngắn hạn. Các trụ cột của mô hình tăng trưởng là khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô; đầu tư vốn dễ dãi; khai thác lao động rẻ, chất lượng thấp và đặc biệt là duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp.

Đổi mới mô hình tăng trưởng là khắc phục những khiếm khuyết này của nền kinh tế, đồng thời giúp nền kinh tế tránh không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, bảo đảm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.

Vậy theo ông, tái cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện như thế nào?

- Trong điều kiện nguồn lực và năng lực có hạn, cách tiếp cận với tái cơ cấu phải là thay đổi cơ chế, phương thức phân bổ nguồn lực phát triển, bao gồm tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô, tái cấu trúc phân cấp trung ương – địa phương, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển đồng bộ các thị trường, tái cấu trúc các khu kinh tế, khu công nghiệp…

Chúng tôi đề xuất lộ trình tái cấu trúc bắt đầu từ cải cách hệ thống ngân sách nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống luật pháp… Tuy nhiên, do nhà nước là chủ thể tổ chức của quá trình này nên việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ chính khả năng tiến hành tái cấu trúc của nhà nước, cụ thể là những khâu thể chế quan trọng và trong phạm vi điều hành của Chính phủ.

Thưa ông, trong điều hành kinh tế hiện nay, nổi lên một hiện tượng là quá trình phân cấp cho các địa phương đang đem lại những hệ quả xấu cho nền kinh tế, chẳng hạn trong vấn đề cạnh tranh thu hút đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việt Nam cũng đang có cơ hội từ sự khó khăn của thế giới. Vấn đề của Việt Nam là tạo thể chế tốt nhất để đón nhận các cơ hội lớn và thách thức lớn từ bên ngoài.

- Đúng là hiện nay cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành đang diễn ra một cách quyết liệt và đây là hệ quả trực tiếp từ quá trình phân cấp. Có rất nhiều “động lực” trong cuộc cạnh tranh này vì tỉnh thành nào cũng muốn vươn lên. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay đưa đến hai nhóm vấn đề và hai nhóm vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thứ nhất, làm thế nào để vẫn thu hút đầu tư mà vẫn có thể đảm bảo được tính thống nhất của quy hoạch quốc gia. Vấn đề này trên thực tế đang trở nên đáng báo động khi mà nhiều dự án do tỉnh, thành cấp phép đang phá vỡ các quy hoạch chung tầm quốc gia.

Thứ hai, phương thức cạnh tranh của các tỉnh, thành phải như thế nào cho phù hợp, qua đó đem lại hiệu quả dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế. Ở đây, cần xác định được thu hút FDI để làm gì, động cơ thu hút là ngắn hạn hay dài hạn.

Bối cảnh thế giới hiện nay sẽ tác động thế nào đến việc thu hút đầu tư của Việt Nam trong những năm tới, thưa ông?

- Nhìn một cách tổng thể thì các trung tâm kinh tế lớn hiện nay đều khó khăn. Hiện nay tính bất định của nền kinh tế Mỹ là rất cao. Châu Âu và Nhật cũng rất khó khăn. Cả nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhưng cũng có nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội khi mà nền kinh tế thế giới sẽ phải tái cấu trúc. Một số khu vực vẫn tăng trưởng tốt và cơ hội vẫn còn, chẳng hạn châu Á. Việt Nam cũng đang có cơ hội từ sự khó khăn của thế giới. Vấn đề của Việt Nam là tạo thể chế tốt nhất để đón nhận các cơ hội lớn và thách thức lớn từ bên ngoài. Việt Nam cần tích cực tái cấu trúc, tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản và lâu dài của nền kinh tế để đón đầu cơ hội này.

Chuyển đổi nền kinh tế theo chiều sâu

Ngày 4.10, tại Hà Nội, Bộ KHĐT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho “Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015)”.

Theo Dự thảo kế hoạch này, Bộ KHĐT đưa ra hai kịch bản: Kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 1.965USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đến năm 2015 là -7%. Kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đến năm 2015 là - 5%%.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bô KHĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: “Với kế hoạch này, Chính phủ đã rất quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế trong 5 năm tới”.

Trả lời câu hỏi, bản kế hoạch lần này có được coi là bản lề để tiến hành cuộc đổi mới lần thứ 2 hay không, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Tôi không dám khẳng định điều đó, nói như thế cũng hơi quá. Nhưng rõ ràng những nội dung của kế hoạch 5 năm này là một nền tảng để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế hiện đang phát triển theo chiều rộng chuyển sang chiều sâu, chất lượng hơn. Nói cách khác, chúng ta quan tâm đến hiệu quả của nền kinh tế bằng những giải pháp rất cụ thể. Đây cũng là quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.

Về câu hỏi, việc huy động các nguồn lực cho nền kinh tế để thực hiện kế hoạch này có gì khó khăn không, Bộ trưởng nói: “Chắc chắn là rất khó khăn vì chúng ta thấy rõ việc giảm tỷ lệ tổng đầu tư toàn xã hội từ trên 42% của kế hoạch 5 năm trước xuống còn 33,5%- 35% của kế hoạch 5 năm này.

Đây là một mức giảm quá lớn, trong khi chúng ta chưa chuyển đổi kịp tư duy về đầu tư mà vẫn dựa vào đầu tư từ ngân sách nhà nước là chính. Do đó, làm sao chúng ta phải có cơ chế huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác trong nước và nước ngoài thay cho sự giảm sút của đầu tư công.

Đây là vấn đề khó khăn nhưng khó khăn cũng phải làm, nếu không thì chúng ta không giải quyết được vấn đề lạm phát, vấn đề kinh tế vĩ mô và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững của đầu tư của đất nước.