Ông Võ Trọng Thành – cán bộ dự án Chuỗi thịt lợn VIP (Cục Chăn nuôi) cho biết, thời điểm năm 2014 đến nửa đầu 2016, bức tranh ngành chăn nuôi Việt Nam toàn “màu hồng” khi giá lợn hơi đạt 45.000 – 53.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại cho người chăn nuôi từ 700.000 đồng – 1 triệu đồng/con. Người chăn nuôi nhân dịp đó đã xây mới, mở rộng chuồng, tăng đàn nái lên mức 4,2 triệu con.
Tuy nhiên, từ nửa cuối 2016, ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng, cụm từ “giải cứu lợn” trở thành mối quan tâm của cả xã hội khi nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể… phải chung tay tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi.
Cũng theo ông Thành, sau “bão giá” công tác dự báo, cảnh báo cung cầu của ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn trong khi việc điều tiết cung cầu bằng mệnh lệnh hành chính hay vận động tiêu dùng là điều không thể. Do đó, Cục Chăn nuôi nhận định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng cho phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam.
Thịt heo truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm an toàn của TP.HCM
Để làm được điều này, Cục Chăn nuôi đề xuất phải kết nối được sản xuất với thị trường, tặng tính dự báo, tăng chủ động, điều tiết cung cầu hợp lý. Đặc biệt, phải phân bổ lợi nhuận hợp lý giữa các bên tham gia. Vì như hiện nay, nông dân vẫn là đối tượng bị động, thường phải chịu phần lớn thua thiệt.“Vấn đề đầu tiên là phải xác định rõ và khai thông thị trường thịt lợn của Việt Nam, đưa việc giết mổ, phân phối thịt lợn và quy mô chăn nuôi hàng hóa thành ngành nghề có điều kiện. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết chuỗi”, ông Thành nhận định.
Một trong những địa phương đã triển khai thí điểm chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ là TP.HCM. Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, thông tin hiện TP.HCM đã xây dựng được chuỗi chăn nuôi lợn với 3 doanh nghiệp được cấp chứng nhận, cung cấp khoảng 1.300 con/ngày, đáp ứng 10% lượng thịt lợn tiêu thụ của toàn thành phố.
Xây dựng chuỗi cũng cần phải phân phối lại lợi nhuận cho các bên tham gia
Ngoài ra, còn có 7 doanh nghiệp trứng gà, 7 doanh nghiệp cung cấp thịt gia cầm được chứng nhận chuỗi liên kết, đáp ứng được 30-45% nhu cầu thịt, trứng gia cầm. Thế nhưng, cái khó của chuỗi liên kết chăn nuôi hiện nay vẫn còn kẹt ở khâu giết mổ.
Theo đó, TP.HCM vẫn chưa thể hoàn thiện các nhà máy giết mổ hiện đại theo quy hoạch, lộ trình. Một số nhà máy giết mổ hiện đại đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hình thức liên kết với người chăn nuôi và các doanh nghiệp chế biến chủ yếu vẫn là giết mổ gia công, cho thuê theo giờ, theo ngày… Do đó, chưa thể phát huy được vai trò của chủ cơ sở giết mổ trong chuỗi liên kết.
Ngoài ra, ông Phát cũng cho rằng, cần thống nhất các logo Chuỗi thực phẩm an toàn gắn trên sản phẩm tham gia chuỗi. Vì như hiện tại, mỗi sản phẩm ra thị trường gắn nhiều logo, từ VietGAP, Lifsap, truy xuất nguồn gốc đến logo Chuỗi. Không chỉ vậy, chuỗi của mỗi tỉnh, thành phố lại khác nhau khiến người tiêu dùng không nhận diện được.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định, sẽ phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết từ sản xuất, gắn với HTX, Hiệp hội ngành hàng, giảm bớt các khâu trung gian. Đồng thời, phải cân đối được cung cầu và chia sẻ lợi nhuận hợp lý giữa các bên tham gia. Ông Dương cho ví dụ như ở Mỹ, hiện chỉ có 10 chuỗi chăn nuôi lợn nhưng họ quyết định được cả thị trường thịt lợn 12 triệu tấn. |