Dù đã 75 tuổi nhưng nhiều ngày nay, tiến sĩ Nguyễn Công Ngữ trú tại số 139 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn phải leo trèo qua đống gạch vữa lổn nhổn, dưới những trần bê tông đang được phá dỡ trơ sắt thép để có thể ra đường. Cậu con trai ông đang học lớp 11 thì khỏe chân hơn nên có thể trèo qua bức tường cao 2 mét ngăn với ngõ bên cạnh để kịp giờ đi học.
Bỗng dưng… mất lối
Theo chân ông Nguyễn Công Ngữ vào ngôi nhà của ông nằm phía sau Bách hóa Cầu Giấy, chúng tôi không khỏi rùng mình khi vừa phải nhìn xuống đất để tìm chỗ đặt chân giữa đống gạch vữa lổn nhổn, vừa phải nhìn lên trời để trông chừng những trần bê tông đang được phá dỡ dở dang trơ lõi thép.
Đứng trên đống gạch, ông Ngữ chìa cho chúng tôi xem ngón chân cái sưng vù vì hôm qua bị khối gạch đổ vào chân khi ông "vượt chướng ngại vật" ra ngoài phố. Bằng giọng lo lắng và bức xúc, tiến sĩ Nguyễn Công Ngữ kể cho chúng tôi nghe về sự việc khó tin đang xảy ra với gia đình ông ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
TS Ngữ phải trèo qua đống gạch vữa lấp gần lưng cửa nhà để ra ngoài đường với nỗi lo trần bê tông trơ lõi thép dọa sập trên đầu |
Theo lời ông Ngữ, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, vợ ông, nguyên là nhân viên Công ty thương mại Từ Liêm (nay là Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy). Năm 1999, bà Loan được công ty bán thanh lý mảnh đất có diện tích gần 37m2 trong khuôn viên với giá 85 triệu đồng. Mảnh đất này nguyên là khu vệ sinh của Công ty.
Trong Biên bản thanh lý TSCĐ ngày 15.1.2000 ghi rõ: "Khu vệ sinh làm từ 1985 trên nền đất ao, là 1 phần tài sản trong TSCĐ nhà hàng Cầu Giấy, đến nay tường bị nứt, bể bị chảy, hư hỏng không sử dụng được gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến xung quanh. Vì vậy, Ban thanh lý (do ông Nguyễn Viết Tú, Giám đốc Công ty thời điểm đó, làm Trưởng ban - PV) nhất trí thanh lý để xây dựng khu vệ sinh khác đảm bảo vệ sinh môi trường. Khu vệ sinh sau thanh lý được nhượng quyền sử dụng cho chị Loan là đoàn viên của Công ty theo biên bản thỏa thuận giữa Công ty và chị Loan".
Biên bản này được lập căn cứ vào QĐ số 59 ngày 3.10.1996 của Chính phủ về việc thanh lý TSCĐ và có đầy đủ chữ ký của Giám đốc Công ty, Trưởng ban Kiến thiết, Trưởng phòng Hành chính, Trưởng phòng Kế toán, kế toán TSCĐ và dấu đỏ của Công ty Thương mại Cầu Giấy.
Mảnh đất này sau đó đã được UBND Thành phố Hà Nội cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất kinh doanh sang đất nhà ở nên bà Loan đã xây nhà kiên cố và đến năm 2010 thì được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, ngôi nhà bà Loan không có lối đi riêng mà phải đi chung với Bách hóa Cầu Giấy.
Đến tháng 9.2011, Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy quyết định phá dỡ tòa nhà Bách hóa để làm dự án “tổ hợp siêu thị, văn phòng và nhà ở” thì ngõ đi của ông Ngữ bị công trình san lấp.
Ông Ngữ cho biết: "Trước khi công trình này được phá dỡ, gia đình chúng tôi không hề được công ty mời lên làm việc mà chỉ nhận được một thông báo có nội dung: "Phòng HCTC Công ty CPTM Cầu Giấy thông báo đến gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Loan về việc công ty sẽ tiến hành triển khai đầu tư xây dựng tại 139 Cầu Giấy theo đúng kế hoạch vào đầu quý II/2011. Vì vậy việc đi lại của gia đình bà Loan qua công ty như hiện nay là không được, gia đình bà Loan phải tìm lối đi khác không đi qua công ty để công ty tiến hành phá dỡ, giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng đúng kế hoạch".
Mọi giao dịch của bà Loan với bên ngoài đều phải với qua bức tường cao 2m |
Sau khi gia đình ông Ngữ có đơn phản hồi lại thì tiếp tục nhận được thông báo từ phía Công ty yêu cầu ông bà và người nhà không được vào khu vực đang thi công. Sau thời gian 8 tiếng phá dỡ mỗi ngày, đơn vị thi công sẽ dọn một lối đi cho ông bà. Trong trường hợp cần thiết phải ra vào thì ông Ngữ phải gọi điện cho ban chỉ huy công trường để có cán bộ dẫn đường. Đơn vị thi công thậm chí còn chốt cửa ra vào của gia đình ông Ngữ để phòng có người tự ý ra vào.
Ông Ngữ bức xúc: "Thế là bao ngày nay ba người trong gia đình tôi bị giam lỏng ngay trong ngôi nhà của mình. Sau giờ làm việc và các ngày nghỉ, đơn vị thi công không hề dọn đường đi cho chúng tôi như đã cam kết. Để không phải leo qua bức tường rào cao 2 mét, vợ tôi phải bỏ tiền túi thuê chính những người thợ ở công trường xúc bớt gạch vữa đi để chúng tôi có thể trèo qua".
Đổ trách nhiệm cho… lịch sử
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Cầu Giấy - khẳng định: "Công ty chúng tôi không có trách nhiệm phải làm lối đi cho gia đình bà Loan. Việc người tiền nhiệm của tôi bán mảnh đất đó cho bà Loan là sai, chưa được sự đồng ý của UBND TP. Đây là đất dùng để kinh doanh chứ không được bán. Trong hồ sơ bàn giao, tôi không nhận được một giấy tờ gì thể hiện việc mua bán này hay quy định trách nhiệm phải tạo lối đi cho gia đình bà Loan cả. Trước đây chúng tôi chỉ cho bà Loan đi nhờ qua Công ty mà thôi".
Có một gia đình bị giam lỏng trong đống đổ nát đang bị phá dỡ |
Tuy nhiên, trái với lý lẽ của ông Tuyên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa lại khẳng định: "Mảnh đất của bà Loan đã được Công ty CP Thương mại Cầu Giấy thanh lý theo đúng thủ tục pháp luật. Mảnh đất đó cũng đã được UBND TP Hà Nội cho chuyển đổi mục đích sử dụng và được cấp sổ đỏ.
Theo quy định của pháp luật thì Công ty bán đất cho người dân thì phải có lối đi cho họ. Tiền thu của bà Loan được nhập vào quỹ của Công ty chứ không phải bỏ vào túi riêng của đồng chí Giám đốc cũ. Vì thế ông Tuyên vẫn phải có trách nhiệm làm lối đi cho gia đình bà Loan. UBND quận và phường cũng đã có nhiều cuộc họp với người dân ở tổ dân phố 16 để đưa ra phương án cho nhà bà Loan đập tường mở cửa ra ngõ 155/7 nhưng người dân không đồng ý. Họ yêu cầu Công ty bán đất thì phải có trách nhiệm mở lối đi cho nhà bà Loan.
Hiện tại bản thân tôi có lúc ngoài giờ hành chính muốn vào nhà bà Loan cũng không vào được vì bị gạch vữa lấp đường".
Đề nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Quan Hoa sớm giải quyết dứt điểm sự việc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và sự an toàn cho gia đình ông Ngữ, bà Loan cũng như những người dân trong khu vực.
Nguyễn Thắng